Lufie

2023/12/18

Thuyết con nhím và mô hình Ikigai trong chọn ngành học: tiếp cận khoa học, lựa chọn đúng đắn

Lufie có nhiều bài viết nói về các yếu tố cần cân nhắc để lựa chọn ngành học phù hợp. Tuy nhiên, hẳn nhiều bạn đang bối rối như có nhiều yếu tố cần chú ý đến, cũng như không biết làm sao để chọn được ngành có thể hài hoà các yếu tố đó. Trong bài viết nào, mình sẽ cung cấp cho bạn công cụ để làm việc đó. Đó chính là thuyết con nhím và mô hình Ikigai.

Thuyết con nhím và mô hình Ikigai trong chọn ngành học: tiếp cận khoa học, lựa chọn đúng đắn Stulink

1. Thuyết con nhím và ứng dụng trong chọn ngành

Thuyết con nhím (Hedgehog concept) bắt đầu từ một câu chuyện ngụ ngôn Hy Lạp nói về cáo và nhím. Truyện kể rằng trong một khu rừng có một con cáo khôn ngoan, tinh ranh, nhiều chiêu trò tinh quái, và một con nhím nhỏ bé, cục mịch và di chuyển chậm chạp. Ngày qua ngày, cáo luôn nghĩ ra nhiều chiêu trò, thủ đoạn khác nhau để ăn thịt nhím. Nhưng lần nào nhím cũng chỉ cần xù lông lên khiến cáo thất bại. Qua câu chuyện, triết gia Isaiah Berlin đã phân chia con người thành hai nhóm:

  • Cáo là người luôn đặt ra nhiều mục tiêu, với từng chiến lược cụ thể nhưng khó đạt được hiệu quả trong dài hạn
  • Nhím là người chỉ tập trung vào một mục tiêu, giải quyết theo cách đơn giản nhất và đạt được hiệu quả lớn.

Thuyết con nhím trở nên phổ biến khi được Jim Collins đề cập trong cuốn Từ tốt đến vĩ đại (Good to Great) khi đề cập về việc lựa chọn ngành kinh doanh của tập đoàn đa ngành để vượt qua khủng hoảng, vươn lên bứt phá. Nội dung của thuyết là tập trung vào điểm mạnh duy nhất của bản thân, nhờ đó tạo nên lợi thế cạnh tranh và sự khác biệt với mọi người xung quanh, từ đó tạo nên chiến thắng.

Vậy thuyết con nhím có ứng dụng gì trong chọn ngành? Việc chọn ngành học/nghề nghiệp của một cá nhân cũng tương tự như việc quyết định chọn ngành kinh doanh: chọn một ngành phù hợp nhất với bản thân trong vô vàn các ngành nghề.

thuyết con nhím trong chọn ngành

Theo thuyết con nhím, chọn lựa ngành nghề phù hợp là tìm ra điểm giao điểm giữa ba yếu tố: thứ bạn giỏi, thứ bạn thích và nhu cầu xã hội. Điều này có nghĩa là ngành nghề phù hợp là ngành nghề đúng với sở thích, phù hợp với năng lực và nhu cầu xã hội. Do vậy, để tìm ra nghề nghiệp phù hợp bạn phải trả lời ba câu hỏi: Đam mê của bạn là gì? Thứ bạn giỏi là gì? Xã hội đang cần gì? Mình sẽ chỉ cách bạn trả lời các câu hỏi này ở mục ba.

2. Mô hình Ikigai - công thức sống hạnh phúc của người Nhật

Ikigai trong tiếng Nhật là 生き甲斐, là từ ghép được ghép từ 生き(sống) và từ 甲斐(đáng giá). Do vậy Ikigai có thể dịch thành lẽ sống, điều đáng để sống, động lực sống.

Khái niệm Ikigai được bắt nguồn từ vùng Okinawa, Nhật Bản. Nơi đây có nhiều người sống lâu nhất thế giới và nhiều năm liền liên tiếp đứng đầu trong danh sách các khu vực hạnh phúc nhất Nhật Bản. Bởi vậy Ikigai được coi là bí quyết để tìm đến cuộc sống viên mãn, hạnh phúc, thành công, điều mà nhiều người luôn tìm kiếm.

Mô hình Ikigai được biểu thị như dưới đây. Trong đó Ikigai, lẽ sống hay nghề nghiệp phù hợp nhất với bạn chính là giao thoa của bốn vòng tròn: những gì bạn thích, những gì bạn giỏi, điều xã hội cần và những việc tạo ra thu nhập.

mô hình Ikigai

Ikigai giúp mỗi người có được cuộc sống viên mãn, hạnh phúc và thành công. Chọn ngành đúng với mô hình Ikigai sẽ giúp bạn tìm được công việc mình yêu thích, phát huy năng lực của mình, tạo ra thu nhập đồng thời cảm thấy cuộc sống có giá trị và ý nghĩa. Từ đó bạn có thêm nhiều tự tin, động lực trong cả công việc và cuộc sống. Hầu hết những người thành công đều lựa chọn ngành nghề đúng với Ikigai của mình. Họ có thể bắt đầu ở một ngành nghề khác, nhưng chỉ có thể trở nên thành công và nổi bật khi chuyển sang ngành nghề đúng với Ikigai của mình. Jack Ma, J.K. Rowling,... là những ví dụ cho điều đó.

Để xác định nghề nghiệp phù hợp theo mô hình Ikigai, bạn cần trả lời câu hỏi:

  • Bạn thích làm điều gì?
  • Bạn giỏi ở điều gì?
  • Xã hội đang cần gì?
  • Công việc nào tạo ra thu nhập?

Có thể thấy rằng ba trong bốn câu hỏi trên trùng với các yếu tố để xác định nghề nghiệp lý tưởng theo thuyết con nhím. Như vậy có thể rõ sự tương đồng giữa hai cách tiếp cận. Riêng đối với Ikigai thì có xét thêm yếu tố thu nhập, yếu tố đảm bảo giúp bạn có cuộc sống sung túc.

3. Phân tích các yếu tố

A. Điều bạn thích

Để xác nhận được yếu tố này, bạn cần liệt kê những điều bạn đam mê, yêu thích từ trước tới nay. Có điều gì bạn làm hàng tiếng đồng hồ mà không chán? Có điều gì người khác không trả tiền bạn cũng xung phong làm? Khi rảnh rỗi bạn thường làm gì? Ước mơ của bạn là gì?

Lục lọi lại quá khứ và liệt kê nhiều nhất có thể. Nó không chỉ giúp bạn tìm được nghề phù hợp mà còn giúp bạn hiểu hơn về bản thân mình. Đồng thời mình khuyên bạn nên đọc bài viết của mình về 自己分析 (phân tích bản thân) để có thể hiểu rõ hơn về yếu tố này.

B. Điều bạn thích

Ở yếu tố, có hai cách tiếp cận là chủ quan và khách quan. Ở cách tiếp cận chủ quan, bản thân bạn trả lời câu hỏi: Bản cảm thấy mình giỏi ở lĩnh vực nào? Bạn tự hào về mình điều gì? , đồng thời hỏi mọi người xung quanh xem: Họ ấn tượng nhất với bạn ở điểm gì? Khi nói về bạn, họ sẽ nói gì?

Ở cách tiếp cận khách quan, bạn sẽ sử dụng các bài test tính cách. Ở đây mình xin giới thiệu bài test trắc nghiệm tính cách MBTI và bài test chẩn đoán năng khiếu 適性診断テスト.

Bài test trắc nghiệm tính cách MBTI

MBTI tên tiếng Anh đầy đủ là Myers–Briggs Type Indicator. Đây là bài test sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm tâm lý để tìm hiểu tâm lý, tính cách, cũng như cách con người nhận thức thế giới xung quanh, đưa ra quyết định cho một vấn đề. MBTI phân loại ra 16 nhóm tính cách dựa trên 4 nhóm phạm trù cơ bản. Mỗi nhóm phạm trù là một cặp lưỡng phân của 8 yếu tố chức năng:

  • Xu hướng Tự nhiên: Hướng ngoại (Extroversion) - Hướng nội (Introversion)
  • Tìm hiểu và Nhận thức Thế giới: Giác quan (Sensing) - Trực giác (Intuition)
  • Quyết định và chọn lựa: Lý trí (Thinking) - Cảm xúc (Feeling)
  • Cách thức và Hành động: Nguyên tắc (Judgment) - Linh hoạt (Perception)
    Khi làm bài test này bạn có thể biết mình thuộc nhóm tính cách nào. Ở mỗi tính cách bạn có thể hiểu hơn mình giỏi ở công việc và lĩnh vực nào.

Bạn có thể làm các test này qua link dưới đây:

Bài test chẩn đoán năng khiếu 適性診断テスト

Bài test này tương tự với MBTI là sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm để phân tích tính cách và cho thấy mức độ phù hợp của bạn đối với các nghề nghiệp khác nhau. Ở bài test này sẽ có nhiều câu hỏi tình huống hơn. Trong bài test, đặt vào vị trí lớp trưởng, ở một chuyến du lịch của lớp đối mặt với nhiều bối cảnh khác nhau, bạn đưa ra chọn lựa hành động của mình. Sau 5 block, bài test sẽ trả về bảng phân tích tính cách và mức độ phù hợp/năng khiếu của bạn đối với các khối ngành khác nhau. Làm bài test tại link

B. Điều xã hội cần

Nhu cầu xã hội trong những năm tới sẽ biến động ra sao? Mình đã phân tích kỹ tại bài viết Chọn ngành nghề đúng – Ấm no cả đời. Bạn hãy dành thời gian đọc bài viết này để tìm thấy câu trả lời cho yếu tố quan trọng này nhé.

C. Công việc tạo ra thu nhập

Các công việc tạo ra giá trị cho xã hội đều sẽ tạo ra thu nhập. Tuy nhiên, con số lại rất khác nhau giữa các công việc. Yếu tố này không chú trọng vào việc tìm ra công việc tạo ra tiền mà muốn đề cập tới việc công việc nào tạo ra thu nhập phù hợp với mục tiêu của bạn.
Bạn muốn có một sống giản dị, không cần quá nhiều về nhu cầu vật chất? Bạn muốn có một cuộc sống đủ đầy? Bạn muốn giàu sang, không phải lo về việc tiền nong? Con số về thu nhập yêu cầu ở mỗi mức sống sẽ khác nhau nhiều. Bạn cần đưa ra mục tiêu cho bản thân mình. Sau đó xem xét ngành nghề nào có mức lương trung bình có thể đáp ứng được mục tiêu đó. Tất nhiên công việc có lương cao sẽ có yêu cầu cao hơn và khó đạt được hơn. Bạn có thể tham khảo bảng xếp hạng lương các ngành nghề tại link.

4. Lưu ý

Dù sử dụng thuyết con nhím hay mô hình Ikigai đôi khi bạn liệt kê các yếu tố kể trên mà không tìm thấy điểm giao thoa. Ví dụ như bạn yêu thích lịch sử, địa lý và thấy mình có thế mạnh về ghi nhớ và hiểu các vấn đề xã hội. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu bạn tìm hiểu thấy số liệu ngành liên quan trực tiếp đến lịch sử, địa lý như giáo viên, nghiên cứu có số lượng công việc ít, lương thấp. Khi này bạn nên mở rộng các vòng tròn của các yếu tố ra các ngành nghề có nhiều điểm tương đồng. Yêu thích lịch sử, địa lý thì khả năng cao bạn cũng yêu thích các ngành nghề xã hội như luật sư, quản lý nhân sự, chính trị gia, phân tích kinh tế. Theo cách này bạn sẽ sớm tìm được nghề nghiệp “bạn đời” của mình. Đó chính là lý do tại sao mình đã lưu ý bạn cần liệt kê nhiều nhất có thể khi phân tích các yếu tố.

Trên đây là chia sẻ của mình về việc tiếp cận khoa học cách chọn ngành nghề phù hợp thông qua thuyết con nhím và mô hình Ikigai. Hi vọng qua các công cụ này, bạn sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về các lựa chọn ngành nghề của mình và tìm được “ý chung nhân như ý” của mình.

Nguồn tham khảo:

Tags:
thuyết con nhím Ikigai

Đăng ký nhận bài viết mới

Đăng ký nhận thông báo bài viết mới qua email của bạn.
Không còn lo bỏ lỡ những bài viết hữu ích mới nhất từ Stulink!

Các bài viết khác