Lufie

2023/11/12

自己分析:Đỗ trường, đậu học bổng - bí quyết nằm ở đây

“Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng” câu nói của ông cha ta vẫn còn nguyên giá trị đến thời nay từ quân sự đến mọi mặt của đời sống, trong đó có thi cử. Vậy làm thế nào để “biết ta”, hôm nay Lufie xin giới thiệu một công cụ hiệu quả tên là 自己分析.

自己分析:Đỗ trường, đậu học bổng - bí quyết nằm ở đây Stulink

1. 自己分析 là gì?

自己分析 (phân tích bản thân) là quá trình tìm hiểu, phân tích, đánh giá lý tưởng, giá trị quan, đặc điểm tích cách, điểm mạnh điểm yếu của bản thân, từ đó có được sự hiểu biết sâu sắc hơn về chính mình. Thành quả của 自己分析 là bạn không chỉ hiểu bạn muốn làm gì và đang có gì, mà còn có thể thể hiện nó rõ ràng bằng ngôn từ để truyền đạt tới người khác.

Đây là việc phổ biến mà học sinh, sinh viên Nhật Bản đều làm khi đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc đời như chọn ngành, xin việc, chuyển ngành. Điều đáng buồn là phần lớn học sinh Việt Nam lại không biết đến công cụ này.

2. Mục đích của 自己分析

  • Hiểu được giá trị quan của bản thân
    Có bao giờ bạn từng thắc mắc tại sao mình làm điều này mà không thể có lời giải thích thỏa đáng không. Nếu có, thì hẳn là bạn chưa nắm bắt được giá trị quan của bản thân. Giá trị quan: bạn yêu cái gì, ghét cái gì, coi trọng điều gì,... là những điều luôn âm thầm điều khiển cách suy nghĩ và hành động của bạn. Chúng sẽ được sáng tỏ sau quá trình phân tích bản thân.
  • Tìm ra được mục tiêu đích thực của bản thân
    Cuộc sống đáng lo nhất là khi không biết mục tiêu của mình hoặc không có mục tiêu. 自己分析 giúp cho bạn hình dung rõ ràng ra bản thân muốn làm điều gì, muốn cống hiến và sống ra sao. Sau quá trình phân tích bản thân được thực hiện một cách đầu tư, cẩn thận, bạn có được mục tiêu cụ thể mà bản thân thực sự muốn phấn đấu, điều mà bạn sẽ không hối hận khi nhìn lại.
  • Hiểu ra mình là ai
    Mỗi người đều có điểm mạnh điểm yếu riêng. Bạn có thể không giỏi trong học tập, nhưng lại thiên phú về bán hàng. Điều quan trọng là phải vén màn bức tranh về khả năng của bản thân. Hiểu được bức tranh đó, bạn sẽ tự tin hơn và làm chủ cuộc chơi của chính mình.
  • Thể hiện được bản thân một cách đúng và chân thực nhất
    Đây là điểm mạnh nhất của 自己分析. Sau quá trình phân tích bản thân, bạn có thể thể hiện rõ ràng bản thân qua ngôn từ. Nói đơn giản là bạn có thể giúp một người gặp đầu biết rõ về bản thân chỉ sau một đoạn hội thoại. Đây là vũ khí PR bản thân sắc bén trong quá trình phỏng vấn nhập học hay xin việc.
    Các nhà tuyển sinh hay tuyển dụng luôn đánh giá cao những người hiểu rõ về bản thân, bởi vậy mà đừng tiếc thời gian thực hiện quá trình 自己分析 theo những chỉ dẫn dưới đây nhé.

3. Đặc điểm của 自己分析

  • Tự bản thân làm
    Quá trình 自己分析 này phải do chính bạn làm. Điều này tách biết 自己分析 với 他己分析 sẽ được giới thiệu ở sau.
  • Loại bỏ các định kiến
    Bạn sẽ có nhiều định kiến khác nhau về bản thân như mình vô tâm, mình không thích nghệ thuật,... chẳng hạn. Những định kiến này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phân tích bản thân. Do vậy bạn nên loại bỏ hoàn toàn chúng, đóng vai một người xa lạ đứng từ xa quan sát và phân tích bản thân.
  • Cần đầu tư thời gian
    Khi vào thực hiện, quá trình phân tích này sẽ tốn thời gian hơn bạn nghĩ. Nó yêu cầu bạn vài tiếng thậm chí vài ngày để có thể đến đích cuối cùng. Nhưng cũng đừng vì vậy mà bỏ qua hoặc làm nó một cách qua loa. Bởi lẽ thành quả thu được sau khi đầu tư xứng đáng cho phân tích bản thân sẽ khiến bạn hài lòng.

4. Các phương pháp

Có nhiều phương pháp phân tích bản thân. Sau đây Lufie xin giới thiệu một số cách tiếp cận phổ biến, bạn có thể kết hợp hai hay nhiều phương pháp.

  • Tạo 自己史 (lịch sử bản thân)
    Tạo một bảng như hình dưới và điền vào.Bạn có thể tăng giảm số lượng cột, hàng tùy thích miễn sao các ô có thể ghi lại hoạt động, học tập, con người của bạn từ nhỏ đến nay. Bạn cần hồi tưởng lại quá khứ để có thể điền vào các ô.
    自己分析-自己史
  • Tạo モチベーショングラフ (motivation graph - biểu đồ động lực)
    モチベーショングラフ là một biểu đồ thể hiện biến động động lực (motivation) của bản thân qua các mốc thời gian. Trục hoành là thời gian, trục tung là thang động lực. Sự biến động của biểu đồ đi kèm với các mốc sự kiện được miêu tả chi tiết. Bạn có thể tham khảo hình dưới.
    自己分析-モチベーショングラフ
    Thông qua việc viết biểu đồ động lực này, bạn sẽ hiểu những trải nghiệm thăng trầm tạo nên bản thân hiện nay, và quan trọng hơn đó là biết được điều gì đem lại cho mình động lực.
  • Chuỗi câu hỏi Tại sao?
    Từ những gì đã được tái hiện trong lịch sử bản thân và biểu đồ động lực, bạn đặt cho mình những câu hỏi Tại sao? Khi có câu trả lời cho nó, bạn lại tiếp tục hỏi tại sao lại thế? cho đến khi có được lời lý giải tường tận về bản thân.
    Ví dụ trong biểu đồ động lực, bạn cảm thấy lớp 10 khi được làm cán bộ lớp, bạn đạt đỉnh điểm của động lực . Khi đó bạn đặt câu hỏi Tại sao mình lại có động lực lớn khi làm cán bộ lớp? -> Vì mình yêu thích quản lý con người và lên các kế hoạch cho tổ chức -> Vì sao mình yêu thích quản lý con người? Vì sao mình thích lên kế hoạch cho tổ chức -> Vì mình thích được tìm hiểu những người xung quanh mình nghĩ gì, gặp khó khăn ra sao, phản ứng như thế nào, làm sao để tác động tới suy nghĩ của họ. Mình thích lên kế hoạch cho tổ chức vì mình thích được nhìn thấy sự thay đổi, tiến độ của tổ chức mình thuộc về.
    Làm điều này với các mốc sự kiện khác, tìm điểm chung của nó và bạn sẽ vén màn được bức tranh tính cách, đặc điểm cá nhân. Đôi khi bạn sẽ bất ngờ về những gì mình từng suy nghĩ trước đây. Ví dụ như việc “kém giao tiếp” mà bạn luôn nhận định là khuyết điểm của bản thân từ trước đến nay, khi phân tích ra thì mới thấy rằng mình là người không thích giao du mà thích suy nghĩ độc lập một mình. Tính cách này phù hợp với người làm nghiên cứu, kỹ sư kỹ thuật.
  • Các câu hỏi phân tích bản thân
    Dưới đây là danh sách những câu hỏi giúp bạn đào sâu hơn nữa về bản thân. Lufie khuyến khích bạn làm chúng sau khi đã hoàn thành phân tích bản thân bằng các bước trên.
    -Điểm mạnh của mình là gì?
    -Điểm yếu của mình là gì?
    -Mình phù hợp với công việc nào?
    -Mình tiêu dùng thời gian khi rảnh như thế nào?
    -Nếu dùng ba từ để nói bản thân thì đó là ba từ nào?
    -Bạn coi trọng điều nào hơn, công việc hay cuộc sống riêng tư?
    -Điểm mạnh và điểm yếu của cộng đồng bạn thuộc về là gì?
    -Câu châm ngôn bạn yêu thích là gì?
    -Người bạn hâm mộ là ai?
    -Bạn là tuýp người logic hay cảm xúc?
    -Con người lý tưởng của bạn là gì? Con người đó tương tác với mọi người như thế nào?
    -Bạn muốn sống ra sao?
    -5 năm 10 năm nữa, bạn kỳ vọng bản thân sẽ ra sao?
    -5 năm 10 năm nữa, bạn muốn cống hiến gì cho xã hội?
    -Điều gì bạn muốn hoàn thành nhất trong cuộc đời mình?
    -Bạn sinh ra là để làm gì?
    -Con người hiện tại và con người lý tưởng của bạn khác nhau điều gì?
    -Điều mà bạn từng hối hận trong quá khứ là gì?
    -Điều mà bạn tự hào trong quá khứ là gì?

5. 自己分析 và 他己分析

Trong khi 自己分析 là tự bản thân tìm hiểu và phân tích về chính mình thì 他己分析 là nhờ người khác đưa ra đánh giá cho mình. Hai hình thức này không trái ngược mà bổ sung cho nhau. Nhờ người khác đưa ra đánh giá về ấn tượng, điểm mạnh, điểm yếu,... mà thấy ở mình, bạn sẽ nhận được nhiều góc nhìn mới lạ về bản thân. Có những thế mạnh hay thiếu sót mà bạn không thấy rõ cho đến khi có người khác chỉ ra cho mình. Hơn nữa việc bổ sung đánh giá từ người khác sẽ làm tăng thêm sự thuyết phục trong phần giới thiệu bản thân của bạn. Lưu ý là hãy cố gắng nhờ những người có thời gian tiếp xúc, đồng hành với bạn trong thời gian dài.

Dưới đây là những câu hỏi bạn có thể sử dụng để nhờ người khác đánh giá giúp mình trong 他己分析:
-Theo bạn nghĩ thế mạnh của tôi là gì?
-Theo bạn nghĩ điểm yếu của tôi là gì?
-Theo bạn nghĩ đặc điểm nổi trội của tôi là gì?
-Theo bạn nghĩ tính cách của tôi là gì?
-Ấn tượng của bạn về tôi là gì?
-Nếu giới thiệu tôi cho một ngôi trường, bạn sẽ giới thiệu như thế nào?

6. Ứng dụng và lưu ý

  • Không chỉ dừng lại ở một lần và nên thường xuyên làm
    Con người liên tục thay đổi, bạn cũng vậy. 自己分析 không phải là công cụ dùng một lần và đưa ra đánh giá bất định về một người, mà nó là công cụ để mỗi người có thể thường xuyên nhìn lại bản thân, hiểu hơn về giá trị sống và cải thiện chính mình. Điểm yếu ngày hôm nay có thể là điểm mạnh ngày mai và ngược lại.
  • Công cụ cần thiết tại các thời điểm quan trọng của cuộc sống
    Lựa chọn ngành, lựa chọn trường, xin việc hay tìm bạn đời,... là những quyết định quan trọng có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời bạn. Bạn cần đưa ra những lựa chọn để không phải hối hận sau này. 自己分析 sẽ là công cụ cần thiết để thực hiện điều đó.
  • Tự tin trước nhà tuyển sinh
    Hiểu bản thân, bạn sẽ tự tin trả lời các câu hỏi của nhà tuyển sinh. Vào vòng phỏng vấn, các câu hỏi của giám khảo thường tập trung vào việc khám phá ra rằng: bạn có đang hiểu những gì mình muốn, hiểu điểm mạnh và điểm yếu của bản thân cũng như đã rõ mục tiêu phấn đấu của bản thân hay chưa. Làm tốt phân tích bản thân, bạn sẽ không còn lúng túng hay phải suy nghĩ nhiều để đưa ra câu trả lời. Bởi lẽ tất cả đã hiện ra rõ ràng trong đầu bạn sau khi tự phân tích bản thân một cách kĩ lưỡng.
  • Không cố gắng dồn ép bản thân theo một chuẩn mực nào đó
    Bạn muốn thi vào trường Tokyo nên sẽ cố gắng dồn ép bản thân sao cho miêu tả bản thân mình giống với phần đông sinh viên của trường. Điều này là rất nguy hiểm. Điều tốt với người này không nhất thiết sẽ tốt với bạn. Khi làm 自己分析 hãy trung thực nhất với bản thân, bởi chỉ có nó sẽ giúp bạn có một cuộc sống mình muốn sống.

7. Một số cuốn sách về 自己分析

  • 「さあ、才能(じぶん)に目覚めよう」著 トム・ラス 古屋博子訳
  • 「9つの性格 エニアグラムで見つかる [本当の自分] と最良の人間関係」著 鈴木秀子
  • 「あなたが「一番輝く」仕事を見つける 最強の自己分析」著 梅田幸子
  • 「改訂版 確実内定 就職活動が面白いほどうまくいく」著 トイアンナ
  • 「受かる! 自己分析シート」著 田口久人

Trên đây là giới thiệu về 自己分析. Hy vọng sẽ nắm chắc và sử dụng công cụ này một cách thông minh để đưa ra lựa chọn ngành nghề đúng cũng như thuyết phục các nhà tuyển sinh ở cả hồ sơ lẫn vòng phỏng vấn.

Nguồn tham khảo:

Tags:
自己分析 phân tích bản thân

Đăng ký nhận bài viết mới

Đăng ký nhận thông báo bài viết mới qua email của bạn.
Không còn lo bỏ lỡ những bài viết hữu ích mới nhất từ Stulink!

Các bài viết khác