Cuồng Strike

2024/7/24

Trải nghiệm về trường đại học Osaka, và những tháng năm đắm chìm trong tri thức nơi đây

Thời gian là thứ duy nhất chia đều cho tất cả mọi người trên cõi đời này. Và là người thầy vĩ đại nhất, tuy rằng không một học trò nào có thể đấu chọi lại với nó. Chỉ có trên dưới bốn năm gần 1500 ngày, cớ sao không cố gắng để vào một đại học lớn như đại học Osaka, cho thỏa chí tang bồng hồ thỉ? Tốt nghiệp được hơn 3 năm, mình không thể không tự hào khi từng theo học nơi đây. Nhân dịp này, có đôi lời tâm tình thủ thỉ với các bạn, về mái trường mang tên Osaka này.
Trường đại học Osaka với tiền thân là đại học hoàng gia Osaka, cùng với 6 trường lớn khác, tạo thành nhóm các trường đại học hoàng gia của Nhật Bản. Trường có được lực lượng các ngành, các khoa phong phú và bảo phủ như ngày hôm nay, là nhờ việc sáp nhập của rất nhiều trường nhỏ khác, như các trường về y, dược, công nghệ, ngoại ngữ… Chính vì thế mà mình tự cho rằng, trường của mình không hề có gót chân A-sin.
Tầm phào hơi nhiều, mình xin phép đưa thông tin chung về trường, cụ thể như sau nhé.

Trải nghiệm về trường đại học Osaka, và những tháng năm đắm chìm trong tri thức nơi đây Stulink

1. Thông tin chung về các cơ sở và các ngành học tại cơ sở đó

a. Cơ sở chính
Suita – rộng gần 1km2, hơn 2 lần diện tích của Tokyo Disneyland. Tổng bộ của trường cũng như rất nhiều viện nghiên cứu tầm cỡ thế giới được đặt ở cơ sở này. Các ngành gồm:

  • Ngành khoa học nhân văn人間科学部
  • Ngành y 医学部 (có bệnh viện trực thuộc ngành 大阪大学医学部附属病院)
  • Ngành răng hàm mặt 歯学部 (có bệnh viện trực thuộc ngành 大阪大学歯学部附属病院)
  • Ngành dược 薬学部
  • Ngành công nghệ 工学部.
    b. Cơ sở kết hợp Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội
    Toyonaka – chỉ rộng bằng một nửa cơ sở Suita, song vô cùng phong tình và lãng mạn. Sinh viên năm nhất toàn bộ sẽ học ở cơ sở này. Các ngành gồm:
  • Ngành văn học文学部
  • Ngành luật 法学部
  • Ngành kinh tế 経済学部
  • Ngành khoa học lí thuyết 理学部
  • Ngành kĩ thuật cơ sở 基礎工学部 (trạm trung gian giữa ngành khoa học lí thuyết và khoa học ứng dụng, đặc thù của trường đại học Osaka).
    c. Cơ sở là thánh đường của ngôn ngữ học
    Minoh – đào tạo về tiếng Nhật, tiếng Việt, tiếng Anh… và nhiều ngôn ngữ khác với tổng số lượng lên đến 25. Chỉ có một ngành duy nhất, là ngành ngoại ngữ 外国語学部.
    Ba cơ sở này ở ba thành phố khác nhau của phủ Osaka, nhưng luôn có xe buýt miễn phí đưa đón các bạn đi lại các cơ sở này. Mình đã làm quen được rất nhiều bạn trên những chuyến xe định mệnh này!

2. Thông tin về xếp hạng, học phí và học bổng và các đãi ngộ khác

Đại học Osaka, từ trước đến nay luôn xếp thứ ba trong lòng người Nhật, sau đại học T và đại học K. Xét riêng về khoa học xã hội hay khoa học kĩ thuật, có thể kém một số đại học khác chút đỉnh. Nhưng đây là đại học tổng hợp, là cựu đại học hoàng gia, nên tiếng Anh hay giao lưu quốc tế, hoặc những tiết giảng của những ngành khác, là nằm trong tầm ngắm của bạn.
Vì là trường quốc lập, nên học phí chỉ bằng 75% so với các trường tiếng. Huống hồ trường không có đối trọng trong phủ Osaka, nên ngoài nguồn lực khổng lồ chính phủ Nhật rót vào thì trường còn được nhận tài trợ rất lớn. Mình nhớ là bốn năm thì có kì 1 năm 1 và kì 1 năm 4 là phải đóng một nửa học phí, tức tổng 28 vạn yên; còn lại được miễn hết.
Về học bổng, vì mình là người duy nhất đỗ ngành công nghệ, nên chỉ việc chọn học bổng. Bộ phận hỗ trợ du học sinh rất nhiệt tình, họ thấy mình chưa có học bổng là cứ dúi tin giới thiệu về học bổng vào hòm thư của mình. Mình tham lam nên cứ đợi đến cái thật cao, cụ thể là 15 vạn yên mỗi tháng cho 2 năm, mới đăng ký. Có cả học bổng 18 vạn yên, nhưng mình lúc đó không đợi được nữa rồi, đăng ký cho yên lòng chuyên tâm học hành. Chính vì thế mà khi bước vào trường, mình từ một con nợ; ra khỏi trường, mình “trổ mã” thành chủ nợ.
Một đãi ngộ cho du học sinh, mình nhớ không nhầm là cứ 2 lần 1 năm, trường sẽ tổ chức cho các du học sinh đi dã ngoại và khám phá văn hóa Nhật Bản. Mình tiếc vì chỉ đi được một lần, là lần trải nghiệm làm đồ gốm và thăm làng cổ Nhẫn giả, thành Hikone tại tỉnh Shiga.

3. Thông tin về học tập, tu thân tại khoa cơ khí, trường đại học Osaka

Là sinh viên của ngành công nghệ, lúc thi vào mình đã chọn ngành cơ khí, quả tim của công nghiệp nặng. Đôi chút về khi thi dành cho du học sinh của ngành này, là thi chung toán lí hóa với người Nhật. Mức độ khó tương đương đề thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh của Việt Nam. Đề thi đã rất dài, bạn còn phải thi cùng người Nhật, cùng các bạn người Nhật trở về nước; và trình bày hoàn toàn bằng tiếng Nhật. Đồng thời để vào được trường, các bạn cần có điểm thi EJU (kì thi du học Nhật Bản) ở mức trên dưới 90%, cũng như điểm tiếng Anh TOEFL ibt hoặc IELTS, và kết hợp với một bài phỏng vấn riêng. Nghe thì cực khổ và gian truân lắm, nhưng một khi bạn đã vào được trường, thì tay trái bạn là ngôn ngữ, tay phải bạn là chuyên ngành, ai cản nổi bạn ra trường và vùng vẫy giữa đời?
Năm một học cơ sở, nặng về toán và vật lí nâng cao, cũng như kiến thức công nghệ chung chuyên ngành cơ khí. Tuy nhiên do học ở cơ sở Toyonaka, bạn sẽ được tiếp xúc với rất nhiều môn học trái ngành khác, giúp cho quá trình khải mông tự lực bản thân. Kì đầu năm nhất, mình chăm chú lắng nghe, mắt long lanh khi nghe bài giảng của các thầy của khoa khác. Để rồi đôi lúc phì cười vì các thầy tấu hài bằng phương ngữ Kansai. Đúng là trong lòng của những người con Osaka, hoặc những người hít thở không khí vùng đất này, luôn có sự hài hước và thông minh, nhỉ?
Năm hai và năm ba mình học sâu về chuyên ngành: 5 môn chính là cơ học lí thuyết, sức bền vật liệu, nhiệt động lực học, cơ học chất lưu và điều khiển. Vì mình cấp 3 học chuyên Lí nên đến được với khoa cơ khí như cá gặp nước, tựa nai về suối cũ, như buồn ngủ gặp chiếu manh. Mình, vì quá đam mê “tin chuẩn”, à nhầm, vì quá đam mê cơ khí, nên học môn nào là khuân hết sách bài tập môn đó về. Tuy mỗi thư viện hạn chế lượng sách có thể mượn, nhưng không, trường có tận 4 thư viện cơ. Thư viện sách gì cũng có, kể những cuốn sách từ đầu thế kỉ trước màu đất, đến sách tiếng Anh mới coóng thơm phức. Nói mới nhớ, mình có mượn sách kì thi du học Nhật Bản cho đàn em, đổi lại các bạn ấy tạo thẻ thư viện và mượn hộ mình vài cuốn sách. Có khi mình nhét sách chật kín ba lô rồi, đi mua quýt mà lúc về rơi hết còn mỗi một quả bị sách nó đẩy ra. Mình may mắn khi gặp được thầy giỏi, sách hay, bạn bè đỉnh, tại ngôi trường đại học Osaka này. Trường có rất nhiều bạn lưu học sinh quốc phí, cũng như tư phí từ 5 châu 4 bể, nên… Tự hiểu nhé hehe!
Và rồi năm bốn, mình vào phòng nghiên cứu, với đề tài nghiên cứu về rô-bốt. Thầy và các đàn anh, tận tình chỉ bảo và đề xuất ý tưởng cho mình. Vì mình may mắn gặp được thầy cực nổi tiếng, nên được tích lũy rất nhiều tri hành và kiến văn, về cách tư duy cũng như giải quyết vấn đề, cái mà sau này giúp ích rất nhiều trong công việc. Kể khổ nữa là, có bạn mình làm rô-bốt về cá, mua nguyên vật liệu trên dưới 50 vạn yên mà kế toán riêng của phòng cứ kí cái roẹt. Đúng là khi có tài chính và tri thức hậu thuẫn, thì con rắn vuông người ta cũng chứng minh được luôn quá. Đàn anh của mình, học thạc sĩ năm 2 cùng phòng nghiên cứu, được đi hội thảo cùng thầy ở Bồ Đào Nha rồi Slovenia… Rồi những doanh nghiệp tài trợ cho phòng, thầy cũng tiến cử học sinh của thầy, nên họ cứ trải thảm mà mời thôi. Nói nhảm hơi nhiều, các bạn xem video về rô-bốt tốt nghiệp của mình đỡ nhé, sử dụng nhiễu xạ âm thanh để tìm nguồn sóng sau chướng ngại vật.

4. Đôi lời nhắn nhủ đến những bạn quan tâm

Mình học 2 năm trường tiếng ở Osaka nên mình đặc biệt có tình cảm với vùng đất này. Nên khi phải chọn giữa trường đại học khác ở T. và trường đại học Osaka, tuy rất lưỡng lự nhưng mình đã vào trường mà mình chọn để yêu. Osaka không kém hoặc thiếu thốn gì so với T. lắm, lại ở vùng Kansai, rất nhiều cảnh đẹp và đồ ăn ngon. Trường cách xa thành phố Osaka phồn hoa đô hội, nên nếu bạn thích thiên nhiên hoang dại, thích hạc nội mây nhàn, thích đắm mình vào những gì đằng sau cánh cửa tri thức, hãy chọn trường đại học Osaka giống mình nhé. Xuân phiêu bồng ngắm hoa anh đào, hạ cháy cùng câu lạc bộ, thu thẫn thờ trên thảm lá rẻ quạt, đông mở mắt ra là một màu tuyết. Tất cả đều có ở đại học Osaka. Nhưng hơn hết, có bạn có tôi, cùng thiêu thân cho tri thức, cho cái gọi là chân – thiện – mỹ.

Tags:
Đại học Osaka trải nghiệm

Đăng ký nhận bài viết mới

Đăng ký nhận thông báo bài viết mới qua email của bạn.
Không còn lo bỏ lỡ những bài viết hữu ích mới nhất từ Stulink!

Các bài viết khác