Lufie

2023/12/5

Sự khác nhau giữa thi Đại học ở Việt Nam và ở Nhật Bản

Trong số các bạn đọc, có nhiều bạn đang ở Nhật và cũng có nhiều bạn ở Việt Nam có dự định sang Nhật. Chắc có nhiều bạn còn thắc mắc về cách để vào đại học ở Nhật có gì khác so với ở Việt Nam. Trong bài viết hôm nay, Lufie sẽ giới thiệu tổng quan cách thi vào đại học Nhật đối với sinh viên nước ngoài.

Sự khác nhau giữa thi Đại học ở Việt Nam và ở Nhật Bản Stulink

1. Cách thi đại học ở Việt Nam

Khi ở Việt Nam, theo một cách nào đó thì chúng ta dễ dàng tiếp cận thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh ĐH, CĐ qua bạn bè, thầy cô, gia đình, bà con lối xóm… Và chúng ta cũng thường biết về các ngành hot hay gia đình sẽ có định hướng cho con em vào một số ngành nào đó. Ngoài các bạn được tuyển thẳng nhờ thành tích nổi bật thì hầu hết chúng ta sẽ trải qua các kỳ thi để nộp điểm xét tuyển vào các trường. Tùy từng ngành mà cách xét tuyển có thể khác nhau.

a. Khối thi ở Việt Nam

Ở Việt Nam, nhiều trường - ngành sẽ xét tuyển theo các tổ hợp môn mà chúng ta quen gọi là các khối. Các khối thi vào đại học được phân ra khá chi tiết như khối A, B, C, D, H, V, M, N, R, S, T. Trong các khối lại có các tổ hợp môn khác nhau.

Ví dụ khối A có khoảng 18 tổ hợp môn, trong đó luôn có môn Toán là 1 trong 3 môn thi, phổ biến nhất là hai tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) và A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh). Có rất nhiều ngành xét tuyển bằng tổ hợp môn khối A như các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, kinh tế, tài chính, quản lý, pháp luật, dịch vụ, du lịch, truyền thông, marketing, công an, quân đội,...

Có một số khối đặc thù hơn như khối H là khối thi dành cho các thí sinh có năng khiếu về hội họa, mỹ thuật. Các ngành học xét tuyển bằng khối này có thể kể đến như: Thiết kế thời trang, nội thất, mỹ thuật, điêu khắc, kiến trúc, hội họa, công nghệ điện ảnh - truyền hình… Các tổ hợp môn trong khối H cũng khá đa dạng như H01 (Toán, Ngữ văn, Năng khiếu Hình họa), H08 (Văn, Lịch sử, Vẽ mỹ thuật)...

b. Phương pháp tuyển sinh của các trường

Những năm gần đây, cùng với sự thay đổi của kỳ thi THPT Quốc gia, phương thức xét tuyển của các trường cũng trở nên đa dạng hơn. Một số phương thức phổ biến như:

  • Xét tuyển từ kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia
    Đây là phương thức xét tuyển phổ biến nhất hiện nay. Thường được lấy theo tổ hợp 3 môn cộng với điểm ưu tiên (nếu có).
  • Thi đánh giá năng lực
    Đây là kì thi do các trường Đại học tổ chức riêng và sử dụng kết quả thi thực tế này để xét tuyển. Kì thi này được coi là một bài kiểm tra cơ bản để đánh giá năng lực của thí sinh một cách toàn diện hơn.
  • Xét tuyển học bạ
    Xét học bạ là hình thức tuyển sinh dùng kết quả điểm tích lũy trong ba học kỳ, ba năm học THPT hoặc điểm trung bình lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển để làm cơ sở xét tuyển. Xét tuyển học bạ THPT là phương thức tuyển sinh riêng của các trường, không bị phụ thuộc vào kết quả thi Kỳ thi Tốt nghiệp THPT.

Trên đây là tổng quan về cách thi vào Đại học nếu chúng ta theo học ở Việt Nam. Vậy khi chúng ta ở Nhật thì kỳ thi đại học sẽ như thế nào. Trước hết hãy cùng tìm hiểu một chút xem các bạn Nhật thi đại học như thế nào nhé.

2.Thi đại học ở Nhật Bản

a. Đối với học sinh người Nhật Bản

Các hình thức tuyển sinh ở Nhật Bản cũng khá đa dạng. Có thể phân chia ra:

  • 「一般選抜」(大学共通テスト利用選抜): Hình thức tuyển sinh chung sử dụng kết quả kỳ thi chung, đánh giá dựa theo học lực.
  • 「学校推薦選抜」: Thông qua tiến cử của trường cấp 3, cần có lời giới thiệu từ hiệu trưởng trường cấp 3.
  • 「総合型選抜」: Hình thức thi thông qua xét hồ sơ, phỏng vấn, bài luận. Phương thức này chú trọng vào nhân cách, sự phù hợp, khát vọng của thí sinh.
  • 「特別選抜」(社会人選抜、帰国子女選抜など): Hình thức đặc biệt dành cho người đi làm, thí sinh có trên 1 năm sống tại nước ngoài. Kỳ thi này có yêu cầu khác nhau ở mỗi trường nhưng nhìn chung sẽ đánh giá tổng quan dự trên nhân cách, bài luận của thí sinh và có phần nhẹ nhàng hơn về kiến thức.

b. Đối với học sinh người nước ngoài

Tùy mỗi trường sẽ có cách tuyển sinh riêng riêng đối với du học sinh. Các bạn cần lên website trường đọc kỹ về yêu cầu tuyển sinh để lên kế hoạch chuẩn bị. Trong đó có rất nhiều trường yêu cầu kết quả bài thi 日本留学試験, hay thường gọi là kỳ thi EJU (The Examination for Japanese University Admission for International Students).

3.Tổng quan về kỳ thi EJU

a. Thông tin chung

Đây là kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Nhật và học lực cơ bản để theo học đại học tại Nhật Bản, được tổ chức bởi JASSO (独立行政法人日本学生支援機構), hợp tác cùng Bộ Văn hóa Khoa học Nhật Bản (文部科学省), Bộ Ngoại giao Nhật Bản (外務省), các trường đại học và các tổ chức trong và ngoài nước.

Kỳ thi diễn ra vào tháng 6 và tháng 11 hàng năm. Năm 2024 sẽ được tổ chức vào 2 ngày chủ nhật là ngày 16/6 và ngày 10/11, tại một số tỉnh ở Nhật Bản và nước ngoài (một số nước trong đó có Việt Nam).

Đối tượng dự thi là du học sinh người nước ngoài có nguyện vọng theo học các trường đại học tại Nhật Bản.

b. Môn thi

Kỳ thi có 4 môn bao gồm

  • Tiếng Nhật (日本語)
    Mục đích: đo năng lực tiếng Nhật để đáp ứng chương trình học đại học bằng tiếng Nhật.
    Thời gian: 125 phút
    Biểu điểm: 0~400 điểm (đọc-nghe hiểu), 0~50 điểm (viết)
  • Khoa học (理科)
    Mục đích: đo năng lực theo học các ngành khoa học tại các trường đại học thông qua ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Thí sinh chọn 2 trong 3 môn tùy theo yêu cầu của trường đại học.
    Thời gian: 80 phút
    Biểu điểm: 0~200 điểm
  • Tổng hợp (総合科目)
    Mục đích: đo năng lực theo học các ngành xã hội tại các trường đại học, đặc biệt là năng lực tư duy, lý luận.
    Thời gian: 80 phút
    Biểu điểm: 0~200 điểm
  • Toán (数学)
    Mục đích: đo năng lực toán học.
    Thời gian: 80 phút
    Biểu điểm: 0~200 điểm

Thí sinh không thể chọn đồng thời cả 2 môn Khoa học và Tổng hợp.

Như vậy là hôm nay Lufie đã giới thiệu tổng quan về các kỳ thi đại học ở Việt Nam cũng như ở Nhật Bản. Có nhiều điểm giống và cũng nhiều điểm khác phải không nào. Dù ở đâu thì để vào được trường đại học mơ ước cũng là một chặng đường phấn đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ của mỗi người. Lufie chúc các bạn sớm đạt được ước mơ của mình. Hẹn gặp lại mọi người trong những bài viết tiếp theo.

Nguồn tham khảo:

Tags:
thi Đại học khác nhau

Đăng ký nhận bài viết mới

Đăng ký nhận thông báo bài viết mới qua email của bạn.
Không còn lo bỏ lỡ những bài viết hữu ích mới nhất từ Stulink!

Các bài viết khác