Lufie

2023/11/21

編入: Đổi vợ khi đi học

Đã thi đỗ vào trường, nhưng sau khi học bạn cảm thấy muốn thử thách ở môi trường mới. Hay đã đỗ Senmon và muốn học lên cao nhưng không muốn tốn lại thời gian học lại từ đầu. Vậy 編入 chính là lựa chọn cho bạn.

編入: Đổi vợ khi đi học Stulink

1. 編入 là gì?

Theo định nghĩa của Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản(MEXT), 編入 là việc một học sinh tốt nghiệp một trường và chuyển lên học tiếp ở bậc cao hơn mà không cần học từ đầu và có thể lược bỏ những tín chỉ, môn học đã học trước đó.

Nó bao gồm việc:

  • Học sinh tốt nghiệp trường Senmon, Cao đẳng(短期大学) nhập học vào năm hai/ba tại một trường Đại học
  • Học sinh tốt nghiệp trường Senmon, đi làm được trên 2 năm nhập vào vào năm hai/ba tại một trường Đại học
  • Sinh viên đang học tại một trường Đại học chuyển sang học tại một trường Đại học khác

Lưu ý là 編入 không áp dụng cho việc học cao học(大学院 ) hay sinh viên đã tốt nghiệp một trường Đại học muốn chuyển vào học giữa chừng ở một Đại học khác.

Hình thức này cũng có ở Việt Nam, các bạn tốt nghiệp trường Trung cấp, Cao đẳng có thể chuyển lên học tại năm 3 Đại học.

2. Khi nào thì nên cân nhắc con đường 編入?

  • Khi bạn đã tốt nghiệp Senmon/Cao đẳng(短期大学) và muốn học thêm 1 trường Đại học
    Việc học Đại học sẽ giúp bạn cải thiện 学齢 trong hồ sơ lý lịch cũng như mở ra cho bản thân thêm nhiều cơ hội. Nhưng nếu bắt đầu thì năm 1 bạn sẽ tốn thêm 4 năm nữa để hoàn thành việc học Đại học, tại sao không tận dụng luôn thời gian đã học tại trường Senmon/Cao đẳng? Đó chính là điểm lợi của 編入. Bạn sẽ vào học Đại học ở năm hai hoặc năm ba, do vậy tiết kiệm được cả học phí và thời gian trong hai năm. Sau 2 năm học tiếp tại Đại học bạn vừa có bằng Senmon vừa có bằng Đại học, một lợi thế khi đi xin việc.
  • Khi bạn cảm thấy chán trường đang học và muốn chuyển vào một ngôi trường Đại học mới
    Bạn đang là sinh viên năm nhất hoặc năm hai của một trường Đại học nhưng cảm thấy không phù hợp và mong muốn được ở trải nghiệm môi trường khác, hoặc đơn giản muốn tốt nghiệp ở trường có ranking cao hơn để cải thiện 学歴. Khi đó 編入 là một lựa chọn tuyệt vời.

Tuy nhiên bạn cũng cần cân nhắc một số điểm sau khi lựa chọn chế độ nhập học này:

  • Không phải tất cả các trường Đại học đều có chế độ 編入, với những trường có chế độ 編入 thì không phải tất cả các khoa đều có chế độ này
  • Những trường nhận 編入 khác nhau về đối tượng. Một số trường nhận người đã tốt nghiệp trường Senmon, trường khác thì không. Bạn cần tra cứu kĩ tại điều kiện dự thi tại 出願資格 để xem mình có đủ tiêu chuẩn không
  • Số lượng đỗ thường chỉ là số lượng ít ở mỗi khoa của trường nhận 編入
  • Kì thi 編入 không phải là dễ, thông tin về kỳ thi và đề thi cũng ít do người thi hàng năm không nhiều. Bạn phải thực sự đầu tư thì mới có thể đỗ được kì thi 編入.

3. Làm thế nào để 編入?

  • Tra cứu trường bạn muốn vào có chế độ 編入 không và thủ tục ra sao
    Bạn chỉ cần gõ theo cú pháp: tên trường bằng tiếng Nhật + 編入 lên Google. Nếu kết quả hiện ra có 編入学試験 募集要項 hoặc tương tự như vậy trên miền của website trường, điều đó chứng tỏ trường bạn muốn vào có chế độ 編入. Click vào kết quả tìm kiếm đó là bạn có thể tìm hiểu thông tin về thủ tục hồ sơ để đăng ký thi. Thông thường các trường sẽ công bố thông tin thi trước khoảng 2-3 tháng. Trong trường hợp năm học không mở kì thi 編入, trường sẽ báo trước 6 tháng ~1 năm trước đó.
    Mình lấy ví dụ về thông tin 編入 của trường 早稲田大学:waseda_transfer. Nếu bạn chưa biết nên vào trường nào và muốn tìm danh sách trường có chế độ 編入, bạn có tham khảo website sau: 編入大学検索
  • Tận dụng sự hỗ trợ của trường đang học
    Một số trường Senmon có chế độ hỗ trợ học sinh 編入, thậm chí một số trường còn có 大学編入センター. Sự hỗ trợ của trường sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Hãy hỏi thầy cô và người phụ trách trường Senmon/Cao đẳng bạn đang học xem họ hỗ trợ gì cho bạn trong quá trình này không.

4. Kì thi 編入

Sau khi nộp hồ sơ 編入 , bạn sẽ thi kỳ thi 編入試験. Kì thi này thông thường gồm 3 môn: tiếng Anh(英語), môn chuyên ngành bằng hình thức viết luận (専門科目ー論述) và phỏng vấn (面接). Trong đó viết luận và phỏng vấn sẽ tập trung về kiến thức môn chuyên ngành.

Ở đây mình sẽ giải thích về sự khác nhau giữa chuyển vào năm hai và chuyển vào năm ba, sau đó sẽ so sánh sự khác nhau giữa kỳ thi 編入試験 với kì thi EJU.

  • Khi nào chuyển vào năm hai, khi nào chuyển vào năm ba
    Có quy định về số tín chỉ tối thiểu cần đạt được ở ngôi trường trước đó để nộp vào 編入: chuyển vào năm hai cần trên 30 tín chỉ, năm ba cần trên 60 tín chỉ. Đáp ứng các tiêu chí, bạn hoàn toàn có thể chọn một không hai. Tuy nhiên không phải trường nào cũng mở ra cả hai lựa chọn này. Thông thường 編入 vào năm ba có ở hầu hết các trường có chế độ 編入, cả trường công và tư. Nhưng 編入 vào năm hai thường chỉ mở một số trường tư.
  • Sự khác nhau giữa kỳ thi 編入試験 với kì thi EJU
    Kỳ thi EJU yêu cầu thi nhiều môn, kiến thức đại cương cơ bản như Toán, môn tự nhiên, môn xã hội. Còn ở kì thi 編入試験 số lượng môn thi ít hơn, nhưng yêu cầu đào sâu về môn chuyên ngành. Môn tiếng Anh một số trường có thể cho bạn nộp chứng chỉ TOEFL, TOEIC, IELTS hoặc tổ chức như một môn thi. Mặc dù số lượng môn thi ít hơn, nhưng kì thi 編入試験 không hề dễ dàng hơn EJU vì tài liệu ôn thi ít, hình thức ra đề của các trường lại đa dạng.

5. 転部 - một hình thức đặc biệt của 編入

Cùng trong một trường Đại học nhưng chuyển từ khoa này hay hay khác gọi là 転部 (hoặc 転科 trong một số trường hợp). Một số trường coi đây là hình thức đặc biệt của 編入 và gọi là 内部編入. Nếu bạn tính đến việc chuyển khoa khi đang học hãy liên hệ với phòng giáo vụ (教務部) để xem trường bạn có hình thức này không nhé.

Trên đây là chia sẻ của Lufie về 編入. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về việc học chuyển giữa các trường, từ đó có cho mình theo nhiều lựa chọn.

Nguồn tham khảo:

Tags:
編入 đại học Nhật chuyển trường

Đăng ký nhận bài viết mới

Đăng ký nhận thông báo bài viết mới qua email của bạn.
Không còn lo bỏ lỡ những bài viết hữu ích mới nhất từ Stulink!

Các bài viết khác