Lufie

2023/11/12

Giáo dục khai phóng, câu chuyện có dành cho Đại học Nhật?

Giáo dục khai phóng là một xu hướng giáo dục mới nổi tiếng ở Mỹ và đang ngày càng được tiếp nhận và phổ biến ở châu Á. Vậy xu hướng giáo dục này là gì, và nó có được triển khai tại Nhật? Hãy cùng Lufie khám phá nhé!

Giáo dục khai phóng, câu chuyện có dành cho Đại học Nhật? Stulink

1. Giáo dục khai phóng là gì?

Giáo dục khai phóng (tiếng Anh: liberal arts hay liberal education) là mô hình giáo dục nhằm thúc đẩy, nuôi dưỡng con người tự do. Từ “tự do” ở đây có nghĩa là độc lập về mặt tư duy và khả năng học tập, đồng thời có trách nhiệm với xã hội. Nói theo cách nôm na là kiến thức giải phóng con người.

Đặc trưng của giáo dục khai phóng là chương trình rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, thay vì tập trung vào một lĩnh vực chuyên sâu. Qua đó thúc đẩy người học gia tăng mong muốn học tập, suy nghĩ chín chắn, giao tiếp thành thạo đồng thời phát huy tối đa năng lực sáng tạo.

2. Nguồn gốc của giáo dục khai phóng

Giáo dục khai phóng bắt nguồn từ khái niệm về những kỹ năng kiến thức cần thiết (arts) của một công dân tự do (liberal) ở Hy Lạp thời cổ đại. Tiếp nối khái niệm đó, sau này vào cuối thời La Mã (thế kỷ thứ 5-6), bảy môn tự do đã được hình thành bao gồm ba môn ngôn ngữ (ngữ pháp, tu từ, biện pháp) và bốn môn toán học (số học, hình học, thiên văn học, âm nhạc).

3. Giáo dục khai phóng khác gì so với giáo dục thông thường

  • Giáo dục khai phóng tập trung vào con người, giáo dục thông thường tập trung vào truyền đạt kiến thức
    Trong khi theo cách thông thường, mục tiêu của nhà trường là truyền đạt những kiến thức cần có của ngành nghề. Bạn biết càng nhiều kiến thức chuyên ngành càng tốt. Nhưng đối với giáo dục khai phóng, chủ thể của giáo dục là bạn, tất cả các lớp học được xây dựng với mong muốn giúp cho bạn có khả năng tư duy độc lập, biết nhận biết cái đúng cái sai, biết tương tác hiệu quả với người khác. Hay nói cách khác là học “cách học, cách nghĩ và cách sống”.
  • Đa dạng về chiều rộng và chiều sâu
    Kiến thức của một lớp học không chỉ bó buộc vào một chuyên ngành cụ thể mà trải rộng ở nhiều chuyên ngành khác nhau từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, nghệ thuật với chiều sâu khác nhau. Với việc tiếp xúc với nhiều bộ môn khoa học, bạn sẽ có cái nhìn đa dạng và phong phú hơn. Từ đó hiểu hơn bản thân yêu thích gì, có nhiều ý tưởng khi phối hợp các chuyên ngành khác nhau và tìm ra những quy luật chung, thay vì bó hẹp trong một lối suy nghĩ nhất định. Đây chính là ý nghĩa của từ “khai phóng”.
  • Thầy giáo không là người dạy mà là người chỉ dẫn
    Ở mô hình truyền thống, thầy giáo sẽ đứng bảng và dạy cho bạn kiến thức. Còn ở giáo dục khai phóng, cách tiếp cận một chiều đó sẽ không còn, thay vào đó, thầy giáo sẽ chỉ là người chỉ dẫn: đưa vấn đề, đưa ra công cụ, theo dõi và sau đó đưa ra feedback. Còn việc giải quyết vấn đề đó như thế nào là việc của người học. Người học sẽ được chia thành nhóm và phải chủ động tìm hiểu, chủ động suy nghĩ, chủ động đặt ra câu hỏi để tìm ra đâu là giải pháp. Ví dụ khi học về toán đại số, thông thường chúng ta sẽ bắt gặp bài giảng mà thầy giáo đưa ra một số ví dụ rồi dặn học sinh rằng gặp dạng tương tự như thế này hãy dùng cách tương tự. Còn ở tiết học giáo dục khai phóng, thầy chỉ giới thiệu đạo hàm là gì, tích phân là gì, sau đó đưa ra bài toán. Bạn và bạn học sẽ tự phải đi tìm hiểu kĩ xem đạo hàm dùng ra sao, tự tư duy cách sử dụng chúng như thế nào để giải được bài toán. Nhiều cách giải sẽ được đưa ra, nhưng nó không quan trọng miễn là đi đến kết quả và đó là tư duy của bạn. Chính việc chủ động tìm tòi và chủ động suy nghĩ này đã khiến người học có cảm giác “Tôi là người khám phá ra cách giải này”, trở nên kích thích và có thêm đam mê học tập.
  • Đào tạo “đa nghề”
    Như nói ở trên mục tiêu của giáo dục khai phóng là để nuôi dưỡng con người có khả năng tư duy và học hỏi. Do vậy mà có thể linh động ở nhiều ngành nghề khác nhau. Điều này ngày càng quan trọng trong xã hội hiện nay khi khoa học và công nghệ thay đổi liên tục, và giải quyết vấn đề đòi hỏi kiến thức tư duy ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

4. Giáo dục khai phóng ở Nhật

Giáo dục khai phóng (liberal arts) đến với Nhật khá sớm, tiên phong là trường Đại học 国際基督教大学 (ICU) và đang dần trở nên phổ biến. Tuy nhiên có sự khác nhau trong tiếp cận giáo dục khai phóng ở Mỹ và ở Nhật. Trong khi ở Mỹ, sinh viên học giáo dục khai phóng ở các trường Liberal Arts College; sau khi tốt nghiệp sẽ không đi làm mà học luôn lên cao học về lĩnh vực mình yêu thích và muốn đi sâu. Còn ở Nhật có hai đặc trưng nổi bật. Thứ nhất là năm 1-2 sẽ học các môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, phạm vi rộng, năm 3-4 sẽ tập trung vào lĩnh vực chuyên môn; thứ hai là chương trình học thường dạy bằng tiếng Anh và tích hợp hoạt động trao đổi du học.

Do vậy, một lưu ý rằng có hai cách triển khai giáo dục khai phóng tại Đại học Nhật:

  • Tích hợp trong chương trình học đại cương (一般教養) ở năm 1-2 của tất cả khoa
    Tại một số trường Đại học Nhật, bạn chọn vào khoa nào dù là 工学部 hay 理学部,... đều có thể được học Liberal arts ở những năm đầu. Bởi trường tích hợp giáo dục khai phóng vào chương trình học đại cương(一般教養).
  • Chương trình đào tạo toàn diện tại các khoa Liberal arts (リベラルアーツ学部 hay 教養学部,.. )
    Các khoa chuyên về giáo dục khai phóng, với các tên gọi như リベラルアーツ学部, 教養学部,国際教養,... được mở ra ở một số trường Đại học. Khi là sinh viên của các khoa này, bạn sẽ được tiếp nhận chương trình học toàn diện về giáo dục khai phóng. Nhưng như đã đề cập ở trên, tại các khoa này, sau những năm đầu, bạn sẽ đều chọn cho mình một chuyên môn để tập trung phát triển trong hai năm cuối.

5. Điểm danh một số trường Đại học Nhật nổi tiếng về giáo dục giải phóng

1-国際基督教大学
2- 早稲田大学
3-桜美林大学
4-東京大学
5-国際教養大学
Và còn nhiều trường Đại học Nhật khác nữa.

Trên đây là giới thiệu về giáo dục khai phóng và cách tiếp cận của các trường Đại học Nhật. Cá nhân Lufie rất ưu thích mô hình giáo dục này và có lời khuyên rằng các bạn hãy tìm hiểu xem trường mình học có bộ môn này để thêm một tiêu chí tham khảo chọn trường nhé!

Nguồn tham khảo:

  • 長谷川寿 一、 日本のリベラル・アーツの歩みとこれから
  • IB (国際バカロレア)生のための進学情報サイト、 リベラルアーツ教育とは?〜日本の大学で学べる国際教養について〜
  • 教員人材センター、リベラルアーツ教育とは?その意味と注目される理由を簡単に解説
  • 人事用語集、リベラルアーツとは?【意味を簡単に】注目の理由、教育
  • 大学Times、 リベラルアーツを取り入れている大学一覧
Tags:
giáo dục khai phóng Đại học Nhật

Đăng ký nhận bài viết mới

Đăng ký nhận thông báo bài viết mới qua email của bạn.
Không còn lo bỏ lỡ những bài viết hữu ích mới nhất từ Stulink!

Các bài viết khác