Lufie

2023/11/08

Đại học Nhật - Những điều có thể bạn chưa biết!

Nhật Bản có một nền văn hoá đặc sắc và khác biệt so với thế giới. Giáo dục Đại học Nhật cũng vậy, cùng Lufie điểm qua 7 điểm nổi bật của các trường Đại học Nhật mà có thể bạn chưa biết.

Đại học Nhật - Những điều có thể bạn chưa biết! Stulink

1. Những con số

Theo con số thống kê của Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) năm 2023 Nhật Bản có 790 trường Đại học, trong đó có 592 trường Đại học tư nhân, 94 trường công lập, 82 trường Quốc lập.
Vào năm 2020, tỉ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THPT học lên các bậc học cao hơn là 83.5%, trong đó Đại học là 54.4%. Sau khi tốt nghiệp Đại học, tỉ lệ sinh viên có việc làm là 78%.

2. Tiền “đặt cọc”

Sau khi có kết quả đỗ vào trường, học sinh phải nộp phí nhập học “入学金” thay vì chỉ cần nộp hồ sơ như ở Việt Nam. Số tiền này bắt nguồn từ việc, ở Nhật học sinh thường nộp hồ sơ và ứng thi nhiều trường. Tuy nhiên kết quả trúng tuyển của các trường lại được công bố ở các thời điểm khác nhau. Do vậy mà phí nhập học này được ra đời và được coi là tiền “đặt cọc” để học sinh có thể đảm bảo một vé “làm sinh viên” trong khi đang chờ đợi kết quả từ trường khác mà mình ưu tiên hơn.

3. Hai mùa nhập học

Ở Nhật có hai mùa nhập học là tháng 4 và tháng 10. Do vậy mà thông thường các trường Đại học sẽ có hai đợt xét tuyển hồ sơ và thi tuyển sinh.

4. Điểm GPA, bí mật chỉ có riêng mình bạn biết

Thay vì công bố điểm GPA rộng rãi như ở Việt Nam, điểm số và thứ hạng của sinh viên chỉ có sinh viên đó biết. Chính lẽ đó mà áp lực học đường ở Đại học Nhật không nặng nề như ở các trường Đại học Việt Nam và một số nước khác. Giáo dục Nhật chú trọng vào việc đào tạo đại trà, điều đó có nghĩa là trường học tập trung vào nâng cao năng lực của tất cả sinh viên thay vì chỉ tập trung vào mũi nhọn. Điều đó có nghĩa là đối với trường học bạn đạt được một mức kỹ năng và kiến thức nhất định, vậy là okie rồi.

5. Vào Đại học là để “tận hưởng”

Xã hội Nhật quan niệm rằng ngay sau khi tốt nghiệp và đi làm (社会人), họ sẽ không có nhiều thời gian để tận hưởng cuộc sống. Khi đó, gánh nặng kinh tế, trách nhiệm công việc, gia đình, xã hội sẽ bủa vây lấy họ. Bởi vậy mà Đại học chính là thời điểm quý giá duy nhất để họ tận hưởng cuộc sống, làm những điều mình thích. Đó chính là lý do các kì thi ở Đại học Nhật không quá căng thẳng, khó khăn, thay vào đó lại có nhiều các câu lạc bộ và hoạt động ngoại khoá

6. Học bổng

Ở Việt Nam, đạt được học bổng thường là những sinh viên top đầu có thành tích vượt trội. Nhưng khi là sinh viên tại các trường Đại học Nhật, việc đạt được học bổng sẽ không quá khó khăn như vậy. Có nhiều loại học bổng cho sinh viên như học bổng của Tổ chức hỗ trợ sinh viên JASSO, học bổng của các tổ chức cộng đồng (公益法人 và 財団), hay của chính quyền địa phương. Chỉ cần có thành tích học tập trung bình khá trở lên cùng sự chuẩn bị kĩ lưỡng, bạn hoàn toàn có thể xin được học bổng hỗ trợ cho quá trình học tập của mình.

7. Không có bằng giỏi hay khá

Sau khi tốt nghiệp Đại học Nhật, một câu hỏi từ bố mẹ và người quen của bạn sẽ khiến bạn khó trả lời. Đó là “bằng tốt nghiệp loại gì?”. Bởi lẽ ở Nhật không có bằng tốt nghiệp loại giỏi hay khá, tất cả đều giống nhau. Nguồn gốc sâu xa của việc này đến từ triết lý giáo dục của Nhật Bản như được đề cập ở trên: để mọi người cùng giỏi.
Khi xin việc, nhà tuyển dụng sẽ chú trọng vào bạn đã tốt nghiệp trường nào thay vì là điểm số của bạn ra sao. Do vậy khi ứng tuyển hãy cố gắng chọn được ngôi trường phù hợp với dự định tương lai của bạn nhé.

Trên đây là 7 nét riêng biệt của các trường Đại học Nhật mà Lufie được biết. Bạn còn biết điểm khác biệt nào khác không? Nếu có hãy gửi về cho Lufie học hỏi thêm nhé.

Tags:
Đại học Nhật Đặc trưng

Đăng ký nhận bài viết mới

Đăng ký nhận thông báo bài viết mới qua email của bạn.
Không còn lo bỏ lỡ những bài viết hữu ích mới nhất từ Stulink!

Các bài viết khác