Ngọc Uyên

2024/7/20

Chia sẻ về chuyện thi Đại học ở Nhật (phần 1)

Xin chào mọi người, dạo này thấy mọi người sôi nổi về việc thi Đại học quá nên mình cũng muốn đăng một bài chia sẻ sơ sơ về chuyện thi Đại học của mình. Hiện tại mình đang nhận học bổng MEXT từ chính phủ Nhật Bản và là sinh viên khoa Thương mại (商学部) của Đại học Hitotsubashi. Nhưng trước khi nhận học bổng này mình cũng từng thi đại học tư phí bình thường như các bạn khác nên mong chia sẻ của mình có giúp ích được cho mọi người.

Chia sẻ về chuyện thi Đại học ở Nhật (phần 1) Stulink

1. Xác định tư tưởng

Kiến thức học cấp 2, cấp 3 của các bạn Nhật cũng khá khác mình, ví dụ về bunkei, mọi người sẽ học cả kiến thức liên quan kinh tế, chính trị, sử Nhật,… nhưng bên mình thì không, về rikei, ở Việt Nam học sinh được dùng máy tính còn ở Nhật thì không, về kiến thức các môn như toán lý hóa thì (nghe các bạn rikei của mình nói) ở Nhật học sâu hơn về một vấn đề, các ứng dụng vào các tình huống thực tế, trong khi ở Việt Nam lại học khó hơn. Cùng một bài toán nhưng tư duy theo cách đang quen làm ở Việt Nam thì thấy rất khó, nhưng tư duy theo cách làm theo sách Nhật thì lại dễ dàng hơn.
Vì vậy, mọi người cũng cần xác định là để thi vào đại học Nhật là học chung với người Nhật, vậy nên mình cần làm quen cách tư duy giống các bạn Nhật, và học một bản kiến thức rút-gọn thay cho những môn các bạn người Nhật đã học trong 6 năm cấp 2, cấp 3, Đây là một chặng đường dài hơi nên nếu mọi người định học kiểu 3 tháng rồi thi, 6 tháng rồi thi luôn thì một là phải học nhiều gấp x lần lên, hai là xác định khả năng sẽ khó vào được trường như ý (tùy vào cách chọn trường nữa). Mình có đi phụ đạo thêm kiến thức thi 総合科目 cho một số bạn, thỉnh thoảng thấy nhiều bạn buổi học buổi nghỉ, bài cũ không ôn nhưng lúc hỏi lại đặt mục tiêu vào đại học trong vài tháng, vài đại học top đầu của Nhật, nói ra lại sợ mọi người buồn nhưng với ý kiến cá nhân của mình thì gần như không thể.

2. Chọn trường phù hợp

Trước đây mình cũng từng có kinh nghiệm đau thương trượt 3 trường đại học, đi tong luôn hơn chục man tính cả phí dự thi đi lại vân vân chỉ vì chọn trường quá tầm với. Hơn nữa, theo mình thấy việc chọn trường quá tầm rất hay xuất phát từ việc số lượng trường mình biết quá ít, hoặc là mình chưa hiểu rõ mức độ khó trong việc thi đại học Nhật (cái này đọc lại mục 1). Mình nghĩ không phải cứ trường càng cao sẽ càng tốt, có rất nhiều trường ở tầm trung và trường hiểu về trình độ của học sinh vào trường nên sẽ có những tiết học, khóa học riêng để giúp du học sinh làm quen với đại học Nhật. Chưa kể đến là khi chọn nhiều trường quá sức với mình thì có thể làm mọi người mất động lực khi kết quả không được ý và tốn kém chi phí thi. Thường các trường đại học ở Nhật sẽ nhập học vào tháng 4, số lượng trường nhập học vào tháng 9 khá ít và mình thấy hướng nhiều đến các bạn học tiếng Anh, nên lỡ chọn nhầm trường là sẽ phải đợi thêm một năm nữa liền, nên mọi người hãy chọn trường thật kỹ nhé.
Thường khi tìm trường mình sẽ search theo các từ khóa dưới đây:
“Tên khoa muốn học + 偏差値 (hensachi)”
偏差値 là đánh giá độ khó của đại học, điểm càng cao thì càng khó (cái đánh giá này dành cho người Nhật hơn nhưng mình cũng tham khảo được”
Ví dụ: 経営学部 偏差値
Thường nó sẽ hiện ra danh sách trường theo hensachi từ thấp đến cao, hai cột công quốc lập và tư lập (như ảnh dưới). Sau đó mình sẽ dựa theo một số tiêu chí của mình về địa điểm trường,… rồi ghi lại những trường hợp khả năng, sau đó tìm thông tin tuyển sinh về trường.
Tìm thông tin tuyển sinh của trường thường có hai cách chính:

  • Cách 1 - Tìm trên web trường: Search tên trường, sau đó vào web trường, thường sẽ có mục ghi dành riêng cho 受験生, vào đó tìm các mục liên quan đến 入試 (thi đầu vào), rồi tiếp tục tìm thông tin liên quan đến du học sinh 留学生募集要項 -> cách này sẽ tốn thời gian hơn nhưng chắc chắn sẽ tìm ra thông tin chi tiết nhất.
  • Cách 2 – Tìm từ khóa trên google: có thể search theo cụm “tên trường + 私費外国人留学生募集要項 + năm”, nó sẽ hiện ra file pdf/trang web có liên quan nội dung đó luôn -> cách này sẽ nhanh hơn (nên mình hay dùng khi phải tìm nhiều trường) nhưng bù lại có thể là nó sẽ hiện ra thông tin của những năm trước, nên mọi người cần kiểm tra lại kĩ số năm nhé!

Trên đây là phần đầu trong chuỗi bài chia sẻ về chuyện thi Đại học ở Nhật của mình. Các bạn dành thời gian ghé thăm bài viết tiếp theo của mình nhé.

Tags:
Đại học học bổng MEXT tư phí

Đăng ký nhận bài viết mới

Đăng ký nhận thông báo bài viết mới qua email của bạn.
Không còn lo bỏ lỡ những bài viết hữu ích mới nhất từ Stulink!

Các bài viết khác