Lufie

2023/10/10

Bí quyết viết 志願動機 vạn trường mê

Nộp hồ sơ vào bất kỳ một trường Đại học, Cao đẳng hay Senmon ở Nhật, một phần không thể thiếu là 志願動機. Bên cạnh về thành tích học tập hay kết quả thi EJU thì đây được coi là phần quan trọng giúp bạn ghi điểm đối với nhà trường. Vậy làm thế nào để có một đoạn văn trong 志願動機 vừa ngắn gọn, logic vừa tạo ra dấu ấn riêng?

Bí quyết viết 志願動機 vạn trường mê Stulink

1. Tầm quan trọng của 志願動機

Tuyển sinh của các trường Đại học, Cao đẳng Nhật thường có nhiều vòng: hồ sơ, bài thi và phỏng vấn. Một số trường có thể không tổ chức kì thi mà lấy luôn kết quả EJU. Tuy nhiên hồ sơ là phần bắt buộc với tất cả thí sinh, là vé vào cửa đối với bất kỳ ngôi trường nào.

Trong hồ sơ, sẽ có hai điểm mà nhà tuyển sinh luôn để ý nhất:
-Thành tích học tập: Kết quả học tập cấp ba, kết quả thi EJU, các chứng chỉ ngoại ngữ và các hoạt động ngoại khóa
-志願動機(志願理由) :nơi bạn trình bày lí do ứng tuyển vào trường, khoa

Nếu thành tích thi EJU, kết quả học tập không quá nổi bật thì phần 志願動機 được coi là yếu tố quyết định để nhà tuyển sinh có chọn bạn hay không. Gây ấn tượng đủ mạnh, bạn sẽ được xem xét là một nhân tố sáng giá và phần phỏng vấn cũng dễ thở hơn.

Một tin mừng nữa là đầu tư cho phần này sẽ giúp bạn tự tin hơn và dễ dàng trả lời các câu hỏi trong vòng phỏng vấn của trường. Do vậy hãy thực sự đầu tư nghiêm túc cho phần này nhé.

2. Thế nào là một 志願動機 vạn trường mê?

Đó là một đoạn văn thoả mãn ba yếu tố sau:

  • Ngắn gọn, xúc tích: nhà tuyển sinh phải đọc hàng nghìn hồ sơ trong một tháng, thậm chí là một tuần. Một hồ sơ ngắn gọn, xúc tích sẽ ghi điểm mạnh
  • Truyền đạt được đúng và thuyết phục nội dung kỳ vọng: Tại 志願動機, nhà trường mong muốn hiểu được tại sao bạn lại ứng tuyển vào trường và khoa. Làm rõ hai ý này: tôi muốn vào khoa này vì…., tôi muốn vào trường này vì…. Lufie chắc chắn rằng bạn sẽ vượt lên hơn 80% thí sinh. Còn để lọt vào top 10%, bạn phải trình bày những nội dung của mình một cách logic gây thuyết phục đối với nhà tuyển sinh. Nếu bạn muốn hơn thế, trở thành 1% đặc biệt, ngôn từ của bạn phải lấy được cảm xúc người đọc hồ sơ.
  • Thể hiện được cá tính riêng: Bạn đến một chợ hải sản, ai ở đó cũng nói rằng: cá của tôi rất ngon và bổ? Vậy bạn sẽ tin ai. Tất nhiên là không ai rồi. Lưu ý một bài học đắt giá rằng: càng chung chung như “ngôi trường có cơ sở vật chất khang trang, nhiều học sinh ưu tú”, “ngành kinh doanh quốc tế gây nhiều hứng thú cho tôi”,... , bạn sẽ chỉ càng nhạt nhoà và dễ lọt khỏi mắt của nhà tuyển sinh. Hãy cho nhà tuyển sinh thấy được sự khác biệt của bạn qua câu chuyện riêng của mình- một chiến lược khôn ngoan và hiệu quả.

3. Chiến lược để “qua vòng gửi xe, té vào lòng nhà tuyển sinh”

Đây là những bí quyết mà Lufie đã tích lũy trong quá trình ứng tuyển Đại học và học bổng. Cũng là những kinh nghiệm mà Lufie đúc kết trong quá trình chấm các hồ sơ học bổng.

A. Nguyên liệu để viết

“Mọi người đều cảm thấy khó viết đến khi họ có điều muốn truyền đạt”, đó là lời thầy giáo dạy Văn cấp hai vẫn để lại ấn tượng cho Lufie đến ngày nay. Bạn cảm thấy khó viết 志願動機 vì rằng bạn chưa có đủ lý do để nói với trường rằng tôi muốn ứng tuyển vào ngôi trường này. Tuân thủ hai chiến lược dưới đây bạn có hàng ngàn ý để viết:

  • Tìm hiểu về trường thật kỹ: hãy đảm bảo thật kỹ rằng trước khi đặt bút, bạn đã tìm hiểu kỹ về ngành bạn muốn học, những ngôi trường đào tạo về ngành đó. Đối với mỗi ngôi trường hãy dành thời gian xem trang web của trường, các bài báo nói về trường, sau đó list lại các điểm mà bạn ấn tượng (và cả tò mò) về trường. Công việc này sẽ khó tốn thời gian nhưng bù lại bạn sẽ có cái nhìn toàn cảnh và nét đặc trưng về từng trường. Nhân tiện, Lufie xin giới thiệu một trang web đáng tin cậy để tìm hiểu thông tin trường là STULINK- 留学生のあなた、学校を探そう
  • Phân tích bản thân: Bạn dự định ứng tuyển vào khoa Kinh doanh Quốc tế của Đại học Teikyo? Hãy làm rõ câu hỏi này nhé: tại sao bạn lại muốn học ngành Kinh doanh Quốc tế chứ không phải khoa khác? Vì gia đình bạn đã có nền tảng kinh doanh hay do bạn bè xung quanh đều vào khoa đó nên bạn cũng muốn vào. Câu trả lời ban đầu có thể chưa thỏa đáng, nhưng nếu bạn đã tìm ra lý do thuyết phục được bản thân mình thì lý do đó cũng dễ dàng thuyết phục được nhà tuyển sinh. Lặp lại quá trình tương tự với việc tại sao bạn chọn trường A chứ không phải trường B.

B. Cảm xúc để viết

Khi có đủ nguyên liệu viết, bạn hoàn toàn có thể có một đoạn văn đầy thuyết phục. Nhưng đôi khi bạn đã có ý nhưng chẳng thể sao chuyển sang lời văn được. Đó là vì thiếu chất xúc tác “cảm xúc”. Khi bạn tức một ai, bạn chỉ mong muốn “chửi” vào mặt họ. Còn khi yêu, bạn chỉ muốn đến ngay và tỏ tình với người mình thầm thương trộm nhớ. Vậy nên khi lúc bạn muốn trở thành sinh viên của trường nhất hãy đặt bút ngay vào viết.

Lufie nhớ đến khi làm hồ sơ xin học bổng sang Nhật, hôm viết hồ sơ, Lufie đã xem hàng chục video về nước Nhật, đọc hàng tá bài báo về cái hay của nước Nhật. Khi đang xem, cảm xúc trỗi dậy và thế là hồ sơ đã hoàn toàn chỉ trong một buổi chiều.

C. Đặt mình vào vị trí nhà tuyển sinh

Hãy thử đặt mình vào vị trí của nhà tuyển sinh và đặt câu hỏi: “tôi mong muốn ứng viên nào để trở thành sinh viên của trường”. Từ đó bạn dễ dàng chọn lựa ra những ý tốt nhất trong hàng loạt ý tưởng nảy ra khi xây dựng nguyên liệu viết. Đối với ngôi trường kỹ thuật, nhà tuyển sinh sẽ mong muốn những học sinh cẩn thận, chăm chỉ, thích đọc và tìm tòi. Tương tự thế trường kinh doanh, nhà tuyển sinh lại mong muốn các thí sinh năng động, sáng tạo.

4. Bí quyết để lọt top 10%

  • Lên bố cục dàn ý: Hãy liệt kê các ý bạn muốn truyền đạt trong 志願動機 và sắp xếp nó theo một trật tự logic. Đừng để đoạn văn có thật nhiều ý nhưng chẳng có liên kết và sức thuyết phục gì.
  • Nói về trường và nói về mình theo tỷ lệ 50/50: trong 志願動機, hãy để 50% độ dài để nói về trường bạn đang ứng tuyển, cho nhà tuyển sinh thấy rằng bạn đã tìm hiểu kỹ về trường. 50% còn lại hãy kể về bạn, câu chuyện của bạn và chứng minh rằng bạn phù hợp với trường, phù hợp với khoa.
  • Kể câu chuyện của bạn: Như phần đầu Lufie có nói, tránh lầy vào cái bẫy “chung chung”, hãy thật cụ thể, bạn là một nét riêng và câu chuyện của bạn cũng vậy. Tôi muốn học kinh doanh vì năm cấp ba tham gia hội trại, lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự thích thú khi vận hành một cửa hàng và thu về lãi, từ đó mà đam mê đọc các báo tài chính, kinh doanh,...
  • Nhờ người Nhật đọc giúp: khi đã xong bản sơ thảo hãy gửi cho thầy giáo tiếng Nhật hay Sempai giỏi tiếng Nhật bạn quen và xin feedback từ họ. Nhờ họ cho góp ý về tiếng Nhật và cả nội dung trong đó.

Trên đây là những bí quyết mà Lufie đã tích lũy để có một bài viết 志願動機 ấn tượng. Hi vọng chúng sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình chinh phục trường Đại học mình mong muốn.

Tags:
志願動機 Bí quyết Gây ấn tượng

Đăng ký nhận bài viết mới

Đăng ký nhận thông báo bài viết mới qua email của bạn.
Không còn lo bỏ lỡ những bài viết hữu ích mới nhất từ Stulink!

Các bài viết khác