Đình Nam

2024/6/16

Bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng,... tại Nhật lựa chọn nào dành cho bạn

Khối ngành sức khoẻ (y tế và phúc lợi) được coi là một trong những ngành khó du học. Bởi lẽ nó liên quan tới con người và yêu cầu độ chính xác cao, đồng thời ngôn ngữ và văn hóa luôn là rào cản lớn đối với du học sinh. Tuy nhiên Nhật Bản lại đang thiếu hụt nhân lực ngành y tế phúc lợi khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của già hóa dân số ngày càng tăng. Bởi vậy du học sinh có nhiều cơ hội hơn để du học ngành này. Qua bài viết này mình hy vọng đem đến cái nhìn tổng quát cho bạn đọc về khối ngành sức khoẻ ở Nhật Bản.

Bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng,... tại Nhật lựa chọn nào dành cho bạn Stulink

1. Tổng quan về khối ngành sức khoẻ Nhật Bản

  • Nguồn lực dành cho y tế phúc lợi cao: Là một nước phát triển, Nhật Bản quan tâm đến phúc lợi xã hội cho người dân. Nguồn lực dành cho chăm sóc sức khỏe là rất lớn. Theo số liệu công bố của Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản, năm 2021 uớc tính chi phí y tế phúc lợi của Nhật Bản chiếm 8.8% GDP, chi phí y tế trung bình dành cho 1 người là 358800 yên (35万8800円). Con số này có xu hướng ngày càng tăng.
  • Tỉ lệ người già cao, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ lớn: Nhật Bản là nước có tỉ lệ già hóa lớn, cao nhất trong các nước OECD(nhóm các nước phát triển). Tuổi già sẽ đi với nhiều bệnh tật và nhu cầu chăm sóc, bởi vậy mà nhu cầu chăm sóc y tế, phúc lợi tại Nhật là rất lớn.
  • Có nền y tế phát triển, kỹ thuật cao, máy móc hiện đại: Nhật Bản có 5 nhà khoa học nhận giải Nobel về y khoa và sinh lý học. Nổi tiếng với trình độ y khoa hàng đầu thế giới, nhiều bệnh nhân nước ngoài trong đó có Việt Nam ta đến Nhật chữa bệnh. Một con số khiến bạn ngạc nhiên là mặc dù dân số của Nhật chỉ chiếm 1,25% dân số thế giới, nhưng Nhật Bản lại có tới ⅓ máy CT của cả thế giới. Con số đó cho thấy rằng Nhật Bản được trang bị đầy đủ và phóng phú các máy móc, thiết bị. Nếu bạn học ngành Y, bạn sẽ dễ dàng thấy rằng nhiều phương pháp trị liệu, máy móc y tế được phát minh từ Nhật Bản.
  • Thiếu nhân lực ngành y tế: Nhu cầu chăm sóc sức khỏe lớn nhưng dân số giảm, Nhật Bản đang đối mặt với việc thiếu hụt lớn nhân lực ngành y tế. Bệnh viện thiếu bác sĩ, điều dưỡng, viện dưỡng lão thiếu nhân viên chăm sóc (kaigoshi) là tình trạng dễ thấy, đặc biệt tại các địa phương xa trung tâm. Bởi vậy mà chính phủ Nhật Bản có nhiều chính sách tiếp nhận lao động người nước ngoài cho ngành y tế. Các trường Đại học, Cao đẳng, Senmon tích cực tiếp nhận du học sinh, nhiều địa phương mở các chương trình học bổng cho ngành điều dưỡng, chăm sóc viên.
  • Nhiều chương trình học bổng điều dưỡng, kaigo: Chính vì thiếu nhân lực y tế mà chính quyền nhiều địa phương, các trường Đại học Senmon có mở nhiều chương trình học bổng toàn phần đào tạo điều dưỡng, kaigo. Chi phí học tập, sinh hoạt, đi lại sẽ được bao toàn bộ, bạn chỉ cần học tập. Điều kiện duy nhất là bạn sẽ phải ở lại làm việc trong một khoảng thời gian quy định.

2. Đặc điểm của khối ngành sức khoẻ Nhật Bản

  • Có chứng chỉ quốc gia: Ngành y tế trực tiếp hành nghề trên con người. Bởi vậy tại Nhật Bản, dù bạn là bác sĩ hay điều dưỡng, hộ lý thì đều yêu cầu phải đỗ chứng chỉ hành nghề quốc gia để có thể hành nghề. Bởi vậy mà khác với các ngành khác là học xong Đại học, Senmon bạn có thể tìm kiếm một công việc thì đối với khối ngành y tế, bạn cần phải thi chứng chỉ hành nghề quốc gia để có thể đi làm. Nếu không đỗ thì cho dù bạn đã tốt nghiệp Đại học cũng sẽ không có cơ sở nào tuyển dụng.
  • Học phí cao hơn mặt bằng chung: Trong chương trình học, khối ngành Y tế luôn có thời gian thực tập tại bệnh viện, viện dưỡng lão. Thêm vào đó trong quá trình học luôn cần các thiết bị cho thực hành luyện tập. Bởi vậy mà học phí sẽ nhỉnh hơn so với các ngành xã hội. Cần chú ý là khối ngành y tế được xét là khối ngành Tự nhiên (理系 ).
    Đặc biệt là thời gian học Đại học của Bác sỹ, Bác sỹ nha khoa, Dược sỹ là 6 năm, dài hơn hẳn thời gian thường thấy của các khối ngành khác là 4 năm. Thêm một lưu ý nữa là thời gian học Đại học của Dược sỹ của Nhật và Việt Nam có khác nhau. Ở Việt Nam, thời gian này là 5 năm trong khi ở Nhật con số này là 6 năm.
  • Lương cao và ổn định: Mặc dù học phí hơn cao hơn mặt bằng chung, nhưng bù lại lương của khối ngành Y tế lại cao và ổn định hơn mặt bằng chung. Ví dụ nhưng lương khởi điểm của một điều dưỡng mới tốt nghiệp có thể vào khoảng 30-35 man. Trong khi con số trung bình của một người mới tốt nghiệp (新卒) là vào khoảng 20-25 man.
    Con người sống thì luôn có bệnh tật và nhu cầu sức khoẻ. Bởi vậy mà nhu cầu chăm sóc sức khỏe luôn duy trì ổn định, thậm chí có xu hướng tăng tại Nhật. Bởi vậy là những người làm trong khối ngành Y tế thường không lo rằng không có việc hoặc lương bị thay đổi do biến động thị trường. Đó là lý do mà câu nói “Nhất Y Nhì Dược” được ra đời.
  • Chú trọng giáo dục, đào tạo: Đây là điểm chung của văn hoá làm việc tại Nhật. Điều học trên giảng đường và thực tế thường khác nhau. Tốt nghiệp Đại học, Senmon xong, đến môi trường làm việc thực tế tại bệnh viện, viện dưỡng lão, bạn thường chẳng làm được gì nhiều. Thay vì yêu cầu cao, tại Nhật, bạn sẽ các anh chị đi trước đào tạo bài bản để có thể làm việc. Các bộ phận Nhân sự cũng thiết kế các chương trình đào tạo để hỗ trợ người mới đi làm. Điều này khó thấy ở các nước khác, môi trường làm việc tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam yêu cầu người mới đi làm tự tìm tòi, học hỏi.
  • Hệ thống y tế phân bổ đều, không có sự khác nhau quá lớn giữa thành thị và nông thôn: Ở Việt Nam hay nhiều nước trên thế giới, các trung tâm y tế lớn thường chỉ có ở các thành phố lớn. Tuy nhiên khi sang Nhật bạn sẽ ngạc nhiên vì một thành phố nhỏ cũng có thể có một bệnh viện lớn, thực hiện được hầu hết các thủ tục y tế khó, phức tạp. Lý do cho điều này là hệ thống y tế tại Nhật Bản được phân bố đều trên toàn quốc, không có sự khác nhau quá lớn giữa thành thị và nông thôn. Nhật Bản có hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân, và có thể sử dụng ở bất cứ nơi đâu với quyền lợi như nhau. Thêm vào đó, nhiều chính sách thúc đẩy y tế địa phương như nhân viên y tế làm tại các bệnh viện tại các vùng quê sẽ có lương khởi điểm cao hơn, trong một vùng địa phương một tỉnh luôn có đủ các hệ thống bệnh viện cấp 1,2,3... đã giúp hình thành nên hệ thống y tế phân bổ đều và rộng khắp của Nhật Bản.
  • Bệnh nhân không quá đông: Chính nhờ hệ thống phân bổ đều đề cập ở trên mà ở Nhật không có việc các bệnh nhân dồn hết lên một nơi. Bệnh nhân dàn trải đều nên không có tình cảnh quá tải bệnh nhân. Thêm vào đó, ở Nhật muốn đi khám phải đặt lịch trước. Bởi vậy mà luôn có quy định về số bệnh nhân tối đa được tiếp nhận và thường không có tình trạng quá tải.

3. Các ngành nghề

Khối ngành sức khoẻ có khoảng hơn 20 ngành nghề khác nhau. Ở đây mình xin đề cập tới một số ngành nghề chủ yếu, phổ biến với du học sinh Việt Nam.

  • Bác sỹ (医師): Người trực tiếp và chịu trách nhiệm cuối cùng về chẩn đoán và phương pháp điều trị. Bác sĩ ở Nhật được gọi là Sensei, được xã hội trọng vọng và thu nhập cao ổn định. Bởi vậy thi vào ngành Y của Nhật rất khó và cạnh tranh. Tuy nhiên người Việt đã có người đỗ, thậm chí theo dạng học bổng. Bản thân mình cũng học Y tại Nhật theo chương trình học bổng liên kết của Trường Đại học Y tế và Phúc lợi Nhật Bản (国際医療福祉大学). Điều kiện học tập và thu nhập sau tốt nghiệp của bác sỹ ở Nhật rất tốt nên nếu bạn tự tin vào năng lực của mình, cá nhân mình rất khuyến khích bạn thi vào ngành này.
  • Bác sỹ nha khoa(歯科医師): Là Bác sĩ chuyên điều trị về các bệnh Răng Hàm Mặt, thời gian để trở thành người có tay nghề ngắn hơn bác sĩ đa khoa do tập trung vào một chuyên môn từ đầu. Đây cũng là ngành cạnh tranh, khó thi vào. Theo mình biết thì chưa có người Việt nào học ngành này ở bậc Đại học.
  • Dược sỹ (薬剤師): Ngành nghề chuyên các vấn đề về thuốc. Là dược sỹ bạn có thể làm ở bệnh viện, hiệu thuốc hoặc các doanh nghiệp dược phẩm hoặc các viện nghiên cứu. Ngành dược ít cạnh tranh hơn ngành Y nhưng cũng là ngành thi vào khó.
  • Điều dưỡng (看護師): Là người trực tiếp tiếp xúc và chăm sóc bệnh nhân, điều dưỡng có thể học ở Senmon hoặc Đại học. Thi vào ngành này không khó và học tập không quá áp lực. Thực sự là lựa chọn tốt với phần đông du học sinh.
  • Kỹ thuật viên phục hồi chức năng:Là người hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các bài tập theo y lệnh của bác sỹ để phục hồi chức năng sau các chấn thương. Tuỳ vào chức năng luyện tập mà người ta phân chia điều dưỡng phục hồi chức năng thành PT, OT, ST
    a.Physical therapist (PT-理学療法士): người phụ trách chính về phục hồi các chức năng cơ bản như ngồi, đi lại. Hình dung một cách đơn giản là phục hồi chức năng của chi dưới.
    b.Occupational therapist (OT-作業療法士): người phụ trách chính về phục hồi các chức năng để duy trì cuộc sống hoạt động hằng ngày như ăn cơm, nấu cơm. Hình dung một cách đơn giản là phục hồi chức năng chi trên.
    c.Speech therapist (ST - 言語聴覚士): người phụ trách chính về cải thiện chức năng nuốt, ngôn ngữ và hoạt động thần kinh khác.
  • Nhân viên chăm sóc (介護福祉士): Đây là ngành nghề có nhiều người Việt đang theo học và làm việc. Ngành này chỉ cần học trong 2 năm, sau đó thi chứng chỉ hành nghề là bạn có thể làm tại các viện dưỡng lão hoặc chăm sóc tại nhà. Ngành này học phí không cao, dễ thi, nhưng cùng với đó thì lương cũng không cao như các ngành ở trên.

Ngoài ra có rất nhiều ngành nghề khác, nhưng không phổ biến với du học sinh Việt nên mình chỉ xin liệt kê tên ngành nghề tại đây. Nếu bạn có thắc mắc với các ngành nghề này đừng ngần ngại liên hệ với mình qua Stulink.
Đó là các ngành nghề: kỹ thuật viên phục hồi chức năng thị giác (視能訓練士), kỹ thuật viên xét nghiệm (検査技師), kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh (放射線技師), hộ sinh(助産師), dinh dưỡng viên (栄養士), nhân viên y tế cộng đồng (保健師), kỹ thuật viên máy móc lâm sàng (臨床工学技士), kỹ thuật viên tạo chi giả (義肢装具士),...

4. Các trường Đại học, Senmon nổi tiếng cho du học sinh

Đối với Bác sỹ, Bác sỹ nha khoa, Dược sỹ, bạn bắt buộc phải học Đại học. Ở Nhật có 82 trường Y, 27 trường đào tạo Bác sỹ Nha khoa và 77 trường đào tạo Dược sỹ. Tuy nhiên không phải tất cả các trường đều tuyển du học sinh. Đồng thời để thi vào các khoa này đối với người Nhật đã rất khó, đối với người nước ngoài lại càng khó hơn. Bởi vậy số lượng du học sinh ở các khoa này rất ít. Nhưng không phải không có cơ hội, mình xin kể tên một số trường Đại học có du học sinh Việt Nam. Đó là 国際医療福祉大学、東京医科歯科大学、秋田大学. Đây cũng là các trường tích cực tiếp nhận du học sinh.
Đối với các ngành nghề y tế khác như điều dưỡng, hộ lý, bạn có thể học tại Đại học, Cao đẳng hoặc trường Senmon. Hầu hết các trường đều tiếp nhận du học sinh. Bạn có nhiều lựa chọn để thi vào. Bạn tham khảo trên trang web STULINK để tìm hiểu rõ hơn chương trình đào tạo và chính sách hỗ trợ du học sinh của các trường.

5. Lời khuyên

  • Những bạn phù hợp với khối ngành sức khoẻ: Mặc dù là ngành khoa học tự nhiên nhưng đối tượng của ngành Y tế là con người, bởi vậy những người làm ngành Y tế có những đặc điểm riêng. Mình khuyến khích các bạn có tính cách dưới đây lựa chọn ngành y tế
    +Yêu thích giao tiếp với con người: Dù là bác sỹ hay điều dưỡng, hộ lý bạn luôn phải giao tiếp với người bệnh. Công việc hằng ngày là tiếp xúc với người bệnh bởi vậy những người yêu thích giao tiếp với con người phù hợp với ngành này
    +Yêu thích chăm sóc con người: Giao tiếp là không đủ, bạn còn là người chăm sóc người bệnh.
    +Cẩn thận, tỉ mỉ: Khối ngành sức khoẻ thực hiện trực tiếp trên con người nên luôn cần sự cẩn thận, tỉ mỉ. Bởi có một sai sót là hậu quả rất nghiêm trọng.
    +Thích sự ổn định: Có con người là luôn có bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khoẻ. Bởi vậy nếu học tập tốt ở ngành này bạn không phải lo thiếu việc. Đồng thời thu nhập của các ngành nghề khối sức khỏe ổn định, ít biến động.
  • Chuẩn bị sớm: Khối ngành sức khoẻ là một ngành tương đối cạnh tranh, đặc biệt là trở thành Bác sỹ, Bác sỹ Nha khoa, Dược sỹ. Bạn cần chuẩn bị sớm về cả tiếng Nhật, kiến thức cho các kì thi cũng như tài chính để có thể thi vào các ngành này.

Trên đây là cái nhìn khái quát về khối ngành sức khỏe ở Nhật Bản. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn và tìm ra ngành nghề mình yêu thích trong khối ngành sức khỏe. Nếu bạn có thắc mắc gì đừng ngần ngại mà liên hệ mình qua STULINK nhé.

Tags:
sức khoẻ y tế phúc lợi

Đăng ký nhận bài viết mới

Đăng ký nhận thông báo bài viết mới qua email của bạn.
Không còn lo bỏ lỡ những bài viết hữu ích mới nhất từ Stulink!

Các bài viết khác