Lê Thị Trúc Quỳnh

2025/03/08

Một số kinh nghiệm khi học Đại học

Xin chào mọi người, mình tên là Quỳnh ạ. Mình xin phép chia sẻ một số kinh nghiệm khi học Đại học của mình. Mong có thể giúp gì đó cho các bạn sắp nhập học vào tháng 4 này.

Đầu tiên thì trước khi vào học, mình mong mọi người xác định rõ, hiểu rõ mục tiêu của mình ở Đại học là gì. Có thể có nhiều bạn sẽ ưu tiên việc tham gia câu lạc bộ, giao lưu kết bạn với người nước ngoài, còn việc học thì lấy đủ tín chỉ để tốt nghiệp là được. Có nhiều bạn lại muốn điểm cao, lấy tín chỉ từ khi còn năm 1, năm 2 càng nhiều càng tốt để những năm cuối có thời gian đi shuu. Có nhiều bạn sẽ chỉ học để lấy đủ tín chỉ tốt nghiệp, thời gian còn trống sẽ học thêm hay làm thêm phục vụ cho đam mê, sở thích của mình. Cái này là tuỳ thuộc vào từng người, vì mỗi người sẽ có một hướng đi khác nhau. Dưới đây thì mình sẽ chỉ đưa ra những kinh nghiệm của bản thân mình trong quá trình học, chương trình học ở đại học Shizuoka có thể sẽ khác trường bạn nên nếu bạn thấy cái nào hợp lý thì áp dụng, còn không thì bỏ qua nhé.

Một số kinh nghiệm khi học Đại học Stulink

1. Đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác khi không biết

Thú thật là mình học luật, lúc năm nhất đại học mình đã bị khủng hoảng trong việc học, vì mình đọc không hiểu gì cả. Có một môn học tên là “Nhập môn pháp luật”. Nghe chữ nhập môn thì hẳn mọi người đều nghĩ là nó sẽ dễ, mình cũng vậy. Nhưng thực ra không phải. Môn học đó do một thầy giáo Todai dạy. Cách giảng của thầy ấy thực sự mình không hiểu. Giống như từng chữ từng chữ thì bạn hiểu nghĩa đấy, xong ghép vào một câu thì mình không hiểu thầy muốn nói gì nữa. レジュメ của thầy ấy mỗi tiết học là tầm 30-50 trang giấy A4. Bài tập về nhà gồm 予習問題、復習問題、読書問題 rồi còn お題 (nghị luận về 1 vấn đề thầy đã cho), kiểm tra giữa kì. Mình đã lên mạng tìm tài liệu, đọc sách, xem video trên Youtube nhưng mình vẫn không hiểu nên không thể hoàn thành bài tập được giao, thế là mình đi tìm kiếm sự trợ giúp từ những người xung quanh. Đầu tiên mình đã đi than phiền với thầy giáo dạy môn tiếng Nhật của mình. Thế là thầy giới thiệu cho mình một bạn người Nhật học khoa Xã hội để giúp mình trong việc giải nghĩa câu. Mình nghĩ như thế là đã ổn, nhưng không, trong luật (những môn khác mình nghĩ cũng vậy) sẽ có những từ ngữ chuyên môn mà không phải trong ngành thì bạn sẽ không hiểu. Đôi lúc cho dù bạn có google thì bạn cũng sẽ không hiểu. Và điều đó đúng với tình trạng cô bạn người Nhật giúp mình học. Cô bạn ấy thực sự rất tốt nhưng sự thật là cô ấy không thể giúp gì mình được. Thế là sau đó mình lại chạy đi hỏi kinh nghiệm của 1 sempai người nước ngoài khoá trên, làm quen với các bạn người Nhật trong câu lạc bộ 法研究 và được một sempai trong đó chỉ dẫn. Nhờ đó mà mình đã tạm ổn ổn. Sau một khoảng thời gian thì mình đã quen dần với việc học và có thể tự học được.

> Điều mình rút ra ở đây là không có việc gì phải xấu hổ khi đi hỏi và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác cả. Nhờ việc hỏi bài mà mình cũng đã làm quen được với rất nhiều bạn người Nhật nữa ^^

2. Có một cuốn sổ tay để lên thời gian biểu phù hợp

 Lịch học thì không nói rồi, nhưng bây giờ đang dịch nên thời gian học online sẽ rất nhiều,  mình nghĩ các bạn sẽ cần một cuốn lịch ghi lại deadline của các môn để tránh việc nộp bài trễ. Ngoài ra nếu muốn thì các bạn cũng hoàn toàn có thể tự tạo thời gian biểu học và làm việc thích hợp cho mình. (Bài viết được viết trong thời gian diễn ra dịch Covid, Stulink tổng hợp lại vào năm 2025)

3. Tham gia câu lạc bộ

Như mình đã nói ở trên, nhờ việc tham gia câu lạc bộ mà mình đã tìm ra được một sempai tốt bụng có thể giúp mình trong việc học. Ngoài ra, việc tham gia câu lạc bộ còn giúp bạn kết bạn với người Nhật nữa đúng không nào ^^

4. Đừng để nước đến chân mới nhảy

Nếu các bạn được giao bài tập về nhà, hãy cố gắng làm xong nó sớm nhất có thể, tuyệt đối đừng để đến gần hạn nộp bài mới bắt tay vào làm. Bài nộp sát hạn thì hẳn là các bạn cũng có thể đoán là chất lượng nó như thế nào rồi đúng không.

5. Nộp bài ngay cả khi chưa làm xong

Trong tình trạng học online như hiện nay, chỉ cần các bạn nộp bài thì có thể các bạn sẽ nhận được điểm. Nộp bài lỡ dỡ còn hơn là bỏ luôn.

6. Đừng ngại 相談với giảng viên

Nếu có một môn học nào đó mà bạn cực kỳ muốn học nhưng nó lại là chuyên ngành của khoa khác, người không phải khoa đó không đăng kí được thì bạn cũng đừng bỏ cuộc sớm. Bạn có thể tìm mail của giảng viên đó rồi viết mail 相談 xin được phép học. Trong mail bạn nên trình bày rõ bạn học khoa nào, tại sao lại muốn đăng kí học môn đó, học môn đó sẽ có giúp ích gì cho tương lai của bạn vv. Việc cho phép bạn học và lấy tín chỉ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào người giảng viên đó, nhưng nếu bạn muốn thì cứ thử nhé.

Đừng ngại gửi mail cho giảng viên để hỏi về bất kỳ vấn đề gì đó bạn không hiểu hay cảm thấy không đúng. Mình đã từng đi mail cho giảng viên để hỏi về điểm, chỉ 1/100 điểm nhưng mình vẫn muốn hỏi. Lúc đó có một bài test, 3 đáp án ABC chọn đáp án sai, đáp án A vừa đọc xong mình đã thấy nó sai nên chọn luôn câu A. Lúc phát ra thì câu trả lời là B. Thực ra sau khi đọc lại đáp án B thì mình cũng đã nhận ra là đáp án B sai rành rành. Nhưng mình vẫn thấy lấn cấn với A. Thế là mình đem câu hỏi đó đi hỏi tất cả những người bạn của mình và nhận được câu trả lời là họ cũng suy nghĩ giống mình. Ý là câu B sai rõ ràng, nhưng câu A có 2 cách giải nghĩa. Nếu giải nghĩa theo cách 1 thì nó sai, theo cách 2 thì nó đúng. Vậy nên mình mail cho cô để hỏi và cô đồng ý với mình nên bảo sẽ sửa điểm cho mình. Chuyện là thế ^^ Các thầy cô giáo ở Đại học phần lớn đều rất dễ thương tốt bụng nên các bạn đừng ngại để hỏi. Mình còn từng cò kè mặc cả để được mang từ điển vào phòng thi môn Hiến pháp nữa. Cô bảo là từ điển điện tử có luôn cả Hiến pháp rồi nên không được, thay vào đó cô sẽ chi tiền, mình cứ lựa chọn quyển từ điển giấy nào mình cần cô sẽ mua cho mà dùng ~~ nhưng mà mình chưa bao giờ dùng từ điển giấy nên mặc cả thất bại.

Nếu bạn viết mail cho thầy cô mà không được trả lời lại thì cũng không cần suy nghĩ nhiều. Vì mỗi ngày thầy cô điều rất bận rộn, sẽ không có thời gian để trả lời tất cả mail được. Nếu bạn thực sự cần câu trả lời thì có thể đến trực tiếp phòng thầy cô giáo để hỏi, hoặc cũng có thể gửi mail kèm theo câu em mong nhân được sự phản hồi từ thầy (cô). Về cách viết mail cho thầy cô giáo thì mình nghĩ  trường Đại học đều sẽ có tiết dạy nên các bạn không cần lo lắng về vấn đề này nhé.

7. Ôn thi cuối kì trước 2 tuần

Trước khi thi cuối kì thì thường mình sẽ dành ra 2 tuần để ôn thi. Cách làm của mình là sẽ photo hết tất cả tài liệu của kì đó ra rồi ngồi đọc lại một lượt. Đồng thời làm lại nhiều lần bài tập nhỏ để kiểm tra lại kiến thức cho chắc (cái này là đối với môn thi viết nhé, còn bây giờ phần lớn là report rồi).

8. Tuyệt đối không được lấy tài liệu trên mạng  giả vờ là bài làm của mình

Khi vào đại học thì các bạn chắc chắn sẽ được nhắc nhở thôi nhưng mình nói trước. Tuyệt đối không được lấy tài liệu trên mạng mang vào bài của mình rồi giả vờ đó là bài mình mà đem nộp. Nếu làm thế thì không chỉ môn học đó mà tất cả số tín chỉ các bạn tích luỹ trong học kì đó đều sẽ bị mất đi. Nếu các bạn muốn trích dẫn thì sẽ có cách trích dẫn riêng (cái này trường sẽ dạy). 

Hết rồi ạ. Chẳng có gì cao siêu cả. Mình nghĩ những điều này ai cũng có thể làm được nên chúc mọi người may mắn và đạt được nhiều thành công trong năm tới ạ ^^

Tags:
Học ở đại học

Đăng ký nhận bài viết mới

Đăng ký nhận thông báo bài viết mới qua email của bạn.
Không còn lo bỏ lỡ những bài viết hữu ích mới nhất từ Stulink!

Các bài viết khác