
2025/02/11
MỘT VÀI KINH NGHIỆM HỌC THI EJU
Khi chuẩn bị cho kỳ thi EJU và chọn trường đại học tại Nhật Bản, nhiều bạn thường băn khoăn về cách quản lý thời gian học tập cũng như tiêu chí để đưa ra quyết định phù hợp. Bài viết này sẽ chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về việc xây dựng thời gian biểu hiệu quả, cách học tập kiên trì mỗi ngày, cũng như các tiêu chí quan trọng để chọn trường đại học. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho các bạn trên con đường chinh phục mục tiêu du học Nhật Bản!

1. Kinh nghiệm học và sắp xếp thời gian
a) Một số bạn có nhắn tin hỏi mình thời gian biểu lúc còn học EJU nên mình xin chia sẻ như sau: sáng học trên trường, chiều ở lại phòng tự học, tối baito. T7 CN thì đến thư viện. Về việc nên phân chia thời gian biểu để học như thế nào thì mình nghĩ là tuỳ theo trình độ hiện tại của bạn. Nếu có thể thì bạn nên sắp xếp thời gian nhiều hơn cho môn mình yếu nhất.
b) Mình nghĩ việc quan trọng nhất khi học là sự kiên trì và thói quen lặp đi lặp lại hành động học tập MỖI NGÀY. Ví dụ có những hôm bạn dự định sẽ ở lại trường học nhưng rồi có vấn đề gì đó phát sinh mà bạn không thể thực hiện theo kế hoạch và rồi lúc trở về trường bạn chỉ còn có 30', bạn sẽ làm gì? Phần lớn mọi người sẽ lấy cớ rồi cho phép mình được thư giãn, giải trí trong khoảng thời gian đó đúng không ạ? Trong trường hợp này phương án tốt nhất mà các bạn có thể lựa chọn là cho dù chỉ còn có 15' 30' các bạn cũng phải học. Có thể là xem lại từ mới, hay sắp xếp kế hoạch cho ngày mai vv.
c) Mình luôn khuyến khích mọi người có 1 quyển sổ ghi chép từ mới, và 1 quyển sổ ghi chép lại những bài mình làm sai. Làm theo cách này thì trước kì thi hay ngày thi các bạn có thể mở sổ ra và ôn tập lại, như vậy cũng đỡ tốn thời gian lật tìm tài liệu.
d) Nên tập trung vào 1 quyển sách tham khảo, làm xong hết, giải hết quyển sách đó rồi hãy mua quyển sách khác. Hiện nay trên thị trường sách tham khảo có rất nhiều, thật lòng mà nói thì sách nào cũng hay, cũng bổ ích cả, thế nhưng nếu bạn cứ lan man, học không xong cuốn này đã nhảy sang cuốn khác thì hiệu quả mà bạn nhận được sẽ không cao.
e) Đừng bao giờ coi thường bất kì kiến thức nào bạn được giảng dạy trên trường lớp. Mình nghĩ ai trong chúng ta cũng đã từng gặp trường hợp như thế này, đó là trên lớp giáo viên giảng lại 1 vấn đề mà ta đã học, đã quen thuộc từ trước hay là 1 vấn đề mà ta nghĩ rằng nó không hề cần thiết cho mình. Ngay cả trong trường hợp đó thì người thông minh sẽ không lười nhác lấy cớ này nọ rồi làm việc riêng mà nghiêm túc nghe giảng bài. Bởi vì nếu bạn đã biết thì coi như bạn ôn lại bài, bạn cũng không mất mát gì cả, ngược lại bạn vừa làm việc riêng lại vừa phải giả vờ đang nghe giảng thì kết quả bạn lại chẳng làm được cái nào ra hồn. Thái độ học tập quyết định rất lớn đến kết quả mà bạn sẽ nhận được. (Sempai đã đậu 東大 chia sẻ 😅
2. KINH NGHIỆM CHỌN ĐẠI HỌC
Sắp tới mùa nộp hồ sơ rồi, mình xin đưa ra ít lời khuyên cho mn về việc chọn trường.
a) Tham khảo các trang web Nhật:
https://www.jpss.jp/ja/ -> Trang web cung cấp thông tin cho các bạn về trường đại học, senmon Nhật.
https://www.minkou.jp/university/ -> Trang này ngoài cung cấp thông tin về đại học Nhật thì còn có hiển thị cả 偏差値、bình luận của mọi người về từng khoa ngành trong trường( ví dụ như tỉ lệ nam nữ, 就職 có dễ không, 恋愛 thì thế nào !🤣
b) Tìm hiểu thông tin tuyển sinh trên trang web chính thức của trường
Thường thì các bạn có thể lên google gõ trực tiếp tên trường + 外国人留学生入試 sẽ ra.
c) Tham khảo các trường mà các sempai, các hội nhóm giới thiệu
Mình sẽ để link 1 vài hội nhóm và sempai hay chia sẻ bài dưới đây cho mn nhé.
Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản VYSA
Kênh youtube của sempai Lê Công Tuấn Anh
d) Hỏi thầy cô, bạn bè trên trường
Lưu ý là hãy hỏi những thầy cô có kiến thức, kinh nghiệm... Sự thật là có rất nhiều thầy cô dạy trường tiếng không hiểu rõ về đại học Nhật. Các bạn cũng biết là để trở thành giáo viên dạy tiếng Nhật ở trường tiếng thì không hề có yêu cầu khắc khe gì về việc người ấy tốt nghiệp trường nào, kiến thức xã hội ra sao... nên đôi lúc khi hỏi, có thể thầy cô sẽ giới thiệu cho bạn 1 trường học cũng được, không học cũng không sao. Ở đây mình xin đưa ra 1 ví dụ về 1 sempai trường mình đã theo học. Chị ấy có kể là lúc chị ấy học trường tiếng, điểm chị ấy rất tệ, nên lúc mà chị ấy 相談 với giáo viên, thì các cô đã giới thiệu cho chị ấy 1 trường rất là ba chấm, tuy nhiên chị ấy đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định rằng mình không thể dừng chân ở đó, sau khi học thêm 1 năm nữa ở senmon luyện thi thì chị ấy đã đỗ vào 外大(1 trường công rất tốt ở Tokyo). Nói vậy để mn thấy lời khuyên của giáo viên không phải lúc nào cũng chính xác, cái quan trọng là bạn phải xác định mình là ai, mình muốn gì.
Thông tin từ bạn bè: có 1 câu chuyện như thế này, có 1 cô bạn muốn nộp đơn vào trường A, cô ấy trong khi làm hồ sơ có vướng mắc về học bạ cấp 3 nên đã hỏi 1 người bạn cùng lớp (người đã nộp đơn xong rồi) thì nhận được câu trả lời là chỉ cần nộp như thế này là được vv. Cô ấy tin bạn nên cứ để thế mà nộp hồ sơ, kết quả là hồ sơ của cô ấy bị thiếu, lúc trường gọi điện để bảo nộp thêm thì cô ấy không còn thời gian để chuẩn bị nên đã bị loại. Từ câu chuyện này ta có thể suy ra là thông tin từ bạn bè tất nhiên là có giá trị, nhưng cũng chỉ nên tham khảo, không nên tin 100%. Có thể đối với học sinh nước này trường chỉ yêu cầu như thế, còn học sinh Việt Nam trường lại yêu cầu khác. Nhất là trong việc chứng minh bằng cấp 3, một số trường ok với việc chỉ cần dấu mộc của trường tiếng, 1 số trường bắt buộc phải có dấu chứng nhận của đại sứ quán Việt Nam --> Ngay khi có bất kì điều gì thắc mắc, các bạn hãy gọi điện trực tiếp cho bộ phận tuyển sinh của trường để xác nhận.
e) Tham gia ngày hội tuyển sinh để tìm kiếm thông tin và hỏi trực tiếp đại diện các trường
Hiện nay có rất nhiều trường tiếng liên kết với các trường đại học tổ chức ngày hội tuyển sinh, các bạn có thể tham khảo thông tin từ trường mình và các trang web online của người Việt Nam.
f) Tham gia Open Campus
Nếu có thể hãy đến trực tiếp ngôi trường mà bạn muốn vào để cảm nhận không khí ở đó. Bạn có thể ngồi ở sân trường hay vào nhà ăn để ăn, quan sát cảm nhận xem học sinh ở đây thế nào, đây có thực sự là ngôi trường mà mình muốn vào không...
g) Đừng ngại bỏ tiền ra để nộp đơn
Tất nhiên mình biết nhiều bạn có giới hạn về tài chính, việc nộp mỗi trường tầm 1-3 man, chưa kể chuyện đi lại nếu không tính toán kĩ thì không phải chuyện đùa. Vậy nên nếu trong trường hợp đó thì mọi người nên chọn cho mình 1 trường làm 滑り止め(trường chắc chắn đậu cho trường hợp tất cả các trường bạn muốn vào đều rớt) và vài trường khác bạn muốn thi thử. Có cô bạn của mình người TQ nộp rất nhiều trường, từ công đến tư hết tầm 30 man, cuối cùng tất cả cô ấy đều trượt chỉ đậu duy nhất 上智😅( Cho những bạn chưa biết thì 上智 ngang ngửa vs 早稲田 và 慶應 ạ ) Vậy nên mình mới nói nếu có thể thì các bạn đừng nên ngại tốn tiền mà bỏ lỡ cơ hội của mình. Có thể bạn cho rằng điểm của mình thấp, mình thế này thế kia chắc chắn không thể đậu trường cao vv thì không, mình xin trả lời rằng suy nghĩ của các bạn là sai lầm. Tuy rằng mỗi trường có 1 phương hướng lấy học sinh như dựa vào điểm, dựa vào bài luận hay dựa vào phỏng vấn, tiếng anh... nhưng nếu bạn không thử, sao bạn biết??? Còn về cô bạn kia của mình, cô ấy có nói là sau này khi vào trường cô ấy đã xin được học bổng 40 man, nên cô ấy không hề hối hận vì quyết định lúc ấy. Tiền thì sau này có thể kiếm lại, còn cái bằng đại học nó sẽ theo bạn đến suốt đời đến khi về già.
h) Nên có chính kiến của riêng mình
Ngôi trường này đối với người này tốt, nhưng với bạn chưa chắc gì đã là tốt. Về ví dụ cho vấn đề này mình có viết ở bài trước về đại học Nhật, mọi người tự xem lại nhé.
Mong là những chia sẻ này giúp được ít nhiều gì cho mọi người.
Đăng ký nhận bài viết mới
Đăng ký nhận thông báo bài viết mới qua email của bạn.
Không còn lo bỏ lỡ
những bài viết hữu ích mới nhất từ Stulink!