Nguyễn Công Khôn

2025/02/10

Chia sẻ kinh nghiệm luyện thi EJU phần RIKEI(理系)

Bài viết chia sẻ về kinh nghiệm ôn luyện thi EJU của bản thân.

Chia sẻ kinh nghiệm luyện thi EJU phần RIKEI(理系) Stulink

Phần 1: Hiểu về 理系

1) 理系 là gì?

理系 (lý hệ) là tên gọi ngắn của tổ hợp môn thi RYU. Có 2 tổ hợp môn mọi người chọn để thi Ryu: 理系 I (Toán 2, Lý, Hoá) và 理系 II (Toán 2, Hoá, Sinh).

2) Giới hạn kiến thức trong đề thi?

Có thể tra cứu trên trang của JASSO bằng cụm từ 日本留学試験シラバス(出題範囲) để biết giới hạn ra đề của từng môn nhằm chia khung thời gian học tập hiệu quả.

Tham khảo Link

Phần 2: Học môn Toán 2

1) Bộ tài liệu sử dụng cho việc học Toán:

Từ hồi học N4, chắc hẳn mọi người đã từng nghe qua bộ sách huyển thoại 理解しやすい数学. Như tiêu đề bộ sách, những cuốn sách của bộ này viết rất dễ hiểu. Cách thức đưa ra vấn đề, hướng giải quyết bài toán…vv viết bằng văn phong đơn giản và dễ hiểu. Chỉ cần có nguồn từ vựng + nắm bắt cấu trúc câu tiếng Nhật đơn giản thì bạn hoàn toàn có thể bắt đầu việc tự đọc bộ sách này.

Bộ sách này gồm 3 cuốn:

2) Nên học như thế nào?

Khi học Rikei, điều quan trọng nhất bạn phải ý thức trước là phải đọc được sách. Đọc sách để biết thêm kiến thức mới, đọc được sách để sau này tiếp thu kiến thức ở Đại học. Khi đọc sách, cần chú trọng đến cách tác giả dẫn dắt ra công thức hay kiến thức trọng tâm của mỗi phần, vừa đọc vừa rèn cách tư duy dẫn dắt vấn đề. Thêm vào đó, ở cuối mỗi bài học, phải làm hết bài tập, vừa ôn lại kiến thức, vừa rèn khả năng tính toán nhanh, chính xác. Những yếu tố này rất cần thiết cho bài thi môn Toán. Nếu có đủ thời gian, tất nhiên mình khuyến khích các các bạn học hết, học kĩ tất cả các phần vì như mình đã nói ở trên, việc học thi Ryu còn bổ sung cho việc học ở Đại học nữa.

Đối với các bạn không có đủ thời gian, các bạn bắt đầu ôn Ryu muộn, thì nên học theo trọng tâm: Ở cuốn Toán 1 nên chú trọng phần hàm số, tổ hợp xác suất và mệnh đề. Cuốn Toán 2 đặc biệt chú trọng đến hình học vector, dãy số. Toán 3 chú trọng đến số phức, đạo hàm-tích phân, ứng dụng của tích phân.

3) Nếu đọc sách không hiểu thì phải làm thế nào?

Tất nhiên trong lúc tự học các bạn sẽ có nhiều phần không hiểu. Giải pháp mà mình đã áp dụng là hỏi “Google” bằng cách gõ đúng từ khoá phần mình không hiểu vào. Theo kinh nghiệm tra cứu của mình, thì những kiến thức trong phạm vi 3 cuốn sách trên đều có ở trên Google hết, vấn đề là bạn phải biết chọn từ khoá để tìm kiếm và trang bị cho mình khả năng đọc.

Nếu tra Google không có tác dụng thì phải làm thế nào? Học thông qua các bài giảng trên Youtube là một giải pháp mình đã thử và cảm thấy hài lòng.

Bước 1: Bạn lên Youtube tìm từ khoá liên quan đến vấn đề

Bước 2: Chọn bài học liên quan của kênh 超わかる!高校数学 II・B hoặc 超わかる!高校数学 III để học.

Ví dụ: Mình không hiểu rõ phần 段階数列 trong cuốn Toán 2、 chỉ cần mở youtube gõ 数学段階数列, có ngay kết quả bên dưới, tìm đến phần này và học thôi, rất dễ hiểu :

youtube_search

4) Một số tài liệu khác:

Ngoài bộ sách 理解しやすい, các bạn có thể tham khảo thêm bộ sách チャート, Sách luyện thi センター試験 của 予備校 như z会、東進、駿台 cũng là một nguồn tài liệu rất tuyệt nếu bạn biết khai thác.

Phần 3: Học môn Hoá

1) Bộ tài liệu sử dụng cho việc học Hoá Học:

Giống với môn Toán, mình すすめ cuốn 理解しやすい化学

2) Nên học như thế nào?

Vì môn hoá nặng về lí thuyết nên việc ghi nhớ chính xác kiến thức rất quan trọng. Lời khuyên của mình: bạn nên chia ra 2 tuần đọc hết một chương. Bạn nên có một cuốn sổ ghi chép kiến thức phục vụ cho việc ghi chú và ôn tập. Cách đọc và ghi chú: đọc hết một phần đề mục của sách, gạch chân những ý, phần quan trọng. Sau khi đọc hết phần đề mục đó thì tóm tắt vào sổ ghi chép. Nên học kết hợp với ôn tập: trước khi bắt đầu buổi học bài mới thì tự đọc lại kiến thức cũ mình đã note. Khi hoàn thành chương, bạn nên tóm tắt lại những điều cô đọng nhất mà chương đấy nói đến. Nhờ vào việc ghi chú như thế này, khi ôn tập lại, các bạn chỉ cần xem lại những đoạn ghi chú quan trọng thay vì đọc hết cả đề mục hoặc cả chương sách.

Khi cảm thấy mình đã đọc hết sách, các bạn có thể thử sức với đề 過去問 những năm trước 2010, với mỗi đề bạn sẽ nhận ra nhiều điểm mình còn chưa vững, tiếp tục đọc sách và ghi chú lại, dần dần kiến thức Hoá của bạn sẽ rất vững. Cuối cùng, là bước làm đề Hoá các năm sau 2010, những đề này rất “sát” với đề những năm gần đây, cụ thể cách luyện đề trong giai đoạn này mình sẽ nói kĩ trong phần “Luyện đề”.

Phần 4: Học môn Vật Lý

1) Bộ tài liệu sử dụng cho việc học Vật Lý:

Khác với môn Toán và Hoá, đối với môn Vật Lý mình すすめ bộ sách 物理のエッセンス - Hiện tại đang Best Seller của Amazon.

Link mua sách ở bên dưới:

2) Nên học như thế nào?

Mình rất tâm đắc với bộ sách này, nhờ học nó mà điểm thi Ryu (EJU) của mình thay đổi rất nhiều (lần đầu thi thử được 19 điểm - Lần cuối thi quốc tế được 78 điểm!).

Trong lúc tự đọc sách, tương tự như môn Toán mình dựa vào youtube để học. Kênh Youtube với những bài giảng ngắn, free rất dễ hiểu. Vào youtube gõ đúng theo tiếng Nhật mục đề bài chưa hiểu, tập trung nghe giảng sẽ hiểu ngay. Cách tìm giống môn Toán thôi, chọn kênh như bên dưới.

youtube_search_physic

Phần 5: Luyện đề

Phần rất quan trọng, nếu luyện đề bài bản, số điểm của bạn sẽ tăng lên rất nhiều. Cần dành ra 2 tháng cuối cho việc luyện đề, trong lúc làm thấy kiến thức nào còn hỏng thì học bổ sung kiến thức đó. Phải chắc chắn lần tới gặp lại dạng bài này thì mình chắc chắn giải được!

1) Tài liệu sử dụng:

Bộ đề 日本留学試験過去問

Nên chia bộ đề này thành 2 phần:

  • Loại A: Đề ôn tập kiến thức : Từ 17-1 đến 21-1
  • Loại B: Đề luyện thi như thật: Từ 22-1 đến đề mới nhất.

Trong lúc học, nếu bạn muốn làm bài tập để ôn lại kiến thức, bạn có thể sử dụng loại A. Còn loại B nên để dành làm chung với nhiều môn khác, có bấm giờ, có tính điểm để rèn tâm lí phòng thi, khả năng chịu áp lực.

2) Làm đề:

Theo kinh nghiệm của bản thân mình, nên lập một nhóm luyện đề từ 3-5 người. Tại sao phải cần làm theo nhóm? Bởi vì làm theo nhóm sẽ giúp tăng tính cạnh tranh, giúp các thành viên bổ sung kiến thức cho nhau, kéo nhau đi lên. Ngoài ra, làm nhóm sẽ giúp mỗi người bớt trì trệ, bớt “ảo tưởng” của bản thân khi luyện đề một mình.

Lời khuyên của mình là bạn nên in đề ra, bấm giờ làm y như thi thật. Sau khi hết giờ thì đọc đáp án, tự tính xem mình được bao nhiêu điểm. Mỗi người nên có một cuốn sổ ghi chép điểm số của mình qua từng đề để theo dõi sự tiến bộ của bản thân. Nếu thực hiện thi thử ở nhà nghiêm túc, lúc đi thi bạn sẽ chẳng phải bận tâm, lo lắng quá nhiều, vì bạn đã “thi như thật” ở nhà quá nhiều lần rồi, lần đi thi Quốc tế cũng như vậy thôi!

3) Giải đề:

Giải kĩ từng câu Toán - Lý- Hoá, mỗi thành viên luân phiên giải bài, những người còn lại nghe và đặt câu hỏi hoặc bổ sung. Nếu có phần kiến thức cả nhóm không tìm ra được lời giải thì có 3 cách giải quyết:

  • Xem lại sách
  • Tra Google (miễn phí nên chịu khó tra nhiều vào )
  • Hỏi bạn bè, sempai trên GROUP

Học bằng cách hỏi- đáp với người giỏi hơn mình cũng là một cách nhớ kiến thức rất tuyệt!

Lời kết

Hy vọng kinh nghiệm của mình giúp ích cho những bạn đang tìm kiếm một phương pháp học EJU phù hợp với bản thân.

Tags:
EJU
理系

Đăng ký nhận bài viết mới

Đăng ký nhận thông báo bài viết mới qua email của bạn.
Không còn lo bỏ lỡ những bài viết hữu ích mới nhất từ Stulink!

Các bài viết khác