Mỹ Nhân

2024/6/13

5 điều bạn sẽ hối hận nếu không làm khi đang học trường tiếng

Thời gian là tài sản quý giá không thể lấy lại cũng như mua được. Đôi khi nhìn lại bạn sẽ tiếc nuối vì những điều mình không làm thay vì những chuyện mình đã làm. Thời gian học trường tiếng là khoảng thời gian quý giá của thanh xuân, có tính quyết định tới sự nghiệp của bạn. Nếu không tận dụng tối đa thời gian bạn sẽ hối hận khi mỗi lần nhìn lại. Bởi vậy ở bài viết này mình sẽ chia sẻ về 5 vấn đề bạn cần tranh thủ thực hiện khi đang học trường tiếng.

5 điều bạn sẽ hối hận nếu không làm khi đang học trường tiếng Stulink

1. Vấn đề kinh tế

Không ít du học sinh rơi vào cảnh nợ nần chồng chất hoặc phải từ bỏ ước mơ giữa chừng vì không đủ năng lực tài chính.
Ngoài học phí (Trường công: trên dưới 50 man, trường tư: trên dưới 100 man) thì các bạn còn phải chuẩn bị rất nhiều như:

  • Chi phí cho các chứng chỉ: Đó là EJU, JLPT, IELTS, TOEFL, TOEIC,...
  • Chi phí dự thi: Mỗi trường khoảng 3 man, nếu không nắm chắc mục tiêu, nhắm quá nhiều trường thì nó có thể là gánh nặng về tiền bạc và thời gian lớn đối với bạn. Mình nghĩ sau khi nhắm đúng ngành thì chỉ cần nộp 3 trường là đủ.
  • Phí nhập học sẽ rơi vào khoảng 26 đến 30 man, cộng thêm học phí năm 1 nữa thì đây là một số tiền khổng lồ.
  • Tiền nhà và sinh hoạt phí những tháng đầu: Trường hợp phải chuyển nhà đến gần trường thì tốn cũng trên dưới 20 man. Nếu phải chuyển việc nữa thì có thể tháng đầu thu nhập không ổn định, sẽ là vấn đề lớn khi phải vừa cân bằng việc học và làm để trang trải chi phí.
  • Các khoản phí khác: Ngoài ra, chúng ta phải tốn tiền mua sách vở, chi phí nộp cho các câu lạc bộ, đi ăn uống làm quen bạn bè,...
    Bởi vậy có kế hoạch tài chính từ sớm, liệt kê những khoản cần chi khi học lên, lên mục tiêu tiết kiệm tài chính từ ngay khi vào trường tiếng sẽ giúp bạn giải tỏa được gánh nặng trên. Số tiền khi chuyển từ trường tiếng lên Đại học hoặc Senmon lớn, nhưng nếu bạn chuẩn bị từ sớm, tiết kiệm trong thời gian dài mỗi tháng tiết kiệm 1-2 man thì sau 1-2 năm tài chính đã không trở thành vấn đề cho quá trình du học của mình . Mình đã từng thử làm và bất ngờ về hiệu quả của nó.

2. Vấn đề tạo mối quan hệ

Xém chút nữa mình đã không tốt nghiệp đúng dự kiến chỉ vì không tìm sempai hay thầy cô để hỏi cách đăng ký tín chỉ.
Trường học ở Nhật Bản rất khác Việt Nam, có nhiều điều luật bất thành văn nên nếu không có những người xung quanh hỗ trợ thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

  • a. Đầu tiên là thầy cô. Ở Nhật, khi thi vào đại học, xin học bổng hay tìm việc mà các bạn có giấy tiến cử thì tỉ lệ đỗ sẽ cao hơn rất nhiều và thủ tục cũng sẽ đơn giản dễ dàng hơn. Mình cũng thi lên đại học và được thực tập dài hạn tại 1 sở nghiên cứu là nhờ có thư tiến cử đấy. Vì vậy, các bạn nhớ để lại ấn tượng và tạo mối quan hệ tốt với thầy cô nhé.
  • b. Thứ hai là Sempai. Thực sự mình rất biết ơn các Sempai vì nhờ có Sempai mà mình biết được các bước chuẩn bị xin học bổng, được cho sách miễn phí, được nghe lời khuyên quý giá về học hành và công việc,... Và đôi khi Sempai cũng có thể giới thiệu việc làm cho mình nữa. Vậy nên các bạn nhớ chủ động tích cực kết nối với các sempai nha.
  • c. Thứ ba là bạn bè. Có những ngày mình rất lười học, ham chơi sa đọa... nhưng mà nhờ có những người bạn luôn chăm chỉ, nghiêm túc theo đuổi mục tiêu nên họ chính là động lực, tấm gương để mình noi theo. Những lúc vui buồn mình có nơi để chia sẻ, những lúc gặp bài khó mình có nhóm bạn để thảo luận, mở rộng kiến thức. Vậy nên nhớ tạo cho mình 1 nhóm bạn thật chất lượng nhé.
  • d. Thứ tư là người yêu: Yêu đúng người, đúng cách thì tốt nhưng nếu yêu phải người không hợp thì mình sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Trong khi là sinh viên, mình nghĩ nên yêu hết mình ít nhất 1 lần để không lãng phí thanh xuân. Nhưng, phải có quan điểm rõ ràng, biết lắng nghe lời khuyên mọi người xung quanh để có quan điểm và cách yêu đúng đắn nhé. Quan điểm của mình rất rõ ràng là “Nếu không cùng nhau tiến lên thì dừng lại”. Nghe có vẻ quá lý trí nhưng mà rõ ràng là kiến thức thì mãi theo mình còn người yêu thì có thể không như thế. 4 hay 6 năm khá dài nhưng cũng quá ngắn vì khi nhìn lại thời gian trôi qua rất nhanh, chúng ta sẽ không còn cơ hội làm lại nên các bạn nhớ cân nhắc kỹ lưỡng nhé.
  • e. Các mối quan hệ khác: Mình có được nhiều công việc lương cao là nhờ vào những người thân quen trong các hoạt động ngoài giờ học. Ví dụ như được đi dạy cho Cơ quan quốc tế ASEAN Japan là nhờ có VYSA, được đi phiên dịch ở các triển lãm quốc tế cũng là nhờ VYSA. VYSA là viết tắt của Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản. Ngoài ra, mình còn được đi diễn thuyết với hội luật sư của tỉnh là nhờ có rotary và rất nhiều hoạt động khác nữa. Vì vậy, ngoài học, làm thêm thì các bạn nhớ tham gia các hoạt động và tạo dựng mối quan hệ bền vững nhé.
    Có 1 điều lưu ý nữa là, bắt đầu một mối quan hệ đã khó nhưng để nó duy trì hay kết thúc êm đẹp lại cũng cần nỗ lực không kém đó.

3. Vấn đề năng lực tiếng Nhật

Không phải có N1 là đã giỏi tiếng Nhật. Một điểm cần lưu ý là để vào đại học Nhật thì bạn phải phỏng vấn. JLPT không có bài thi nói, vì thế năng lực nói của bạn sẽ được đánh giá nhiều qua bài thi phỏng vấn trực tiếp. Mình vẫn nhớ như in hồi phỏng vấn vào đại học, thầy bảo “Sau này nếu đỗ thì em phải học và cố gắng như tất cả mọi người, không phải vì là du học sinh mà được nhân nhượng cho năng lực tiếng Nhật đâu nhé”.
Ngoài ra, người Nhật còn nói bóng gió, mình phải quan sát để đoán ý nữa nên những kiến thức trong giáo trình tiếng Nhật là không bao giờ đủ. Hơn nữa, môi trường ở trường tiếng là những du học sinh học với nhau nên rất khó để phát triển được kỹ năng nghe nói thành thạo.
Vì vậy, mình nghĩ bạn nên chọn việc làm thêm phải nói nhiều, và chủ động tiếp xúc nhiều với người Nhật ở mọi hoàn cảnh để luyện kỹ năng nghe nói nhé.

4. Vấn đề văn hoá

Đây là vấn đề mà mình thấy rất khó vì có quá nhiều khác biệt, cũng như nhiều luật bất thành văn mà nếu như không gặp phải hay không được người Nhật chỉ cho thì mãi mãi mình không biết được.
Về cơ bản, người Nhật rất cẩn thận, chắc chắn, tuân thủ luật pháp, quy định. Đơn giản như việc tuân thủ giờ giấc. Nếu có hẹn thì bạn nên đến trước giờ hẹn 15 phút, nếu đến muộn thì người Nhật sẽ không giận hay nói gì mà 70% là sẽ không có cuộc hẹn tiếp theo. Hay ví dụ như đi xe đạp chở hai, chúng ta có thể thấy vui nhưng đó là phạm luật, người Nhật rất ghét điều đấy. Hoặc việc chụp ảnh, quay phim. Ở Nhật nếu chưa được sự cho phép thì các bạn cấm tuyệt đối không được quay phim chụp ảnh. Chỉ cần lỡ tay thôi là có thể bạn sẽ bị kiện ra tòa, kéo theo hàng ngàn rắc rối khác mà chúng ta không lường trước được.
Cách để hiểu dần văn hóa chính là xem phim, tiếp xúc giao lưu học hỏi nhiều từ người Nhật.
Với những người thân quen, mình sẽ nói là “私はまだ日本の文化を完全に理解しておりませんので、もし間違っていることがあれば、正直にアドバイスをいただければ大変助かります。また、日本人の考え方、働き方についても教えていただければ幸いです”. Vì mình vẫn chưa hiểu hết văn hóa Nhật nên nếu có gì sai thì mong được bạn thẳng thắn góp ý với ạ. Ngoài ra, nếu được bạn dạy cho về cách suy nghĩ, làm việc của người Nhật nữa thì tốt quá ạ!. Lưu ý là có khi nói 2-3 lần thì người ta mới góp ý, chỉ dạy cho nên hãy cố kiên trì nhé. Và nhớ đừng quên nói lời xin lỗi, cảm ơn chân thành, gửi quà cảm ơn khi được giúp đỡ nhé.

5. Vấn đề xác định tương lai và các bước thực hiện

Hầu hết các bạn của mình bỏ học giữa chừng, trầm cảm phải về nước là vì những sai lầm khi xác định tương lai. Sẽ không có câu trả lời chính xác cho bất kỳ một ai nhưng theo kinh nghiệm bản thân thì mình làm các bước như sau:

  • a.Phân tích bản thân: Hồi trước thì mình được anh họ có kinh nghiệm đầy đặn tư vấn cho nên cũng đỡ phần nào. Sau này mình vào đại học năm 1 thì có môn học bắt buộc về thiết kế và quản lý cuộc đời.
    Những tiết đầu mình được cho bài tập quay về quá khứ để nhớ lại các sở thích, các việc mình đã làm tốt, rồi từ từ theo các mốc thời cho đến tận bây giờ để thấy mình đã thay đổi ra sao, sau đó ngồi tự phân tích điểm mạnh, yếu của bản thân dưới sự chỉ dẫn của giáo viên và góp ý của các bạn trong lớp. Thực sự môn này khó nhất trong đời mình từng gặp, tỉ lệ rớt môn quá cao nên mình cũng cố hết sức nên sau này nghiệm lại thấy đúng như cô nói:“本気で勉強すれば人生が変わる”. Tức là từ năm nhất đổ đi là mình đã rất rõ ràng về sức mệnh cuộc đời mình, có kế hoạch dài hạn cho đến già, có kế kế hoạch ngắn hạn cho 10 năm, 5 năm, 1 năm rõ ràng.
    Các bạn có thể lên mạng thực hiện phân tích bản thân qua các app miễn phí ở linklink này nhé. Làm tốt bước phân tích bản bản thân thì các bạn sẽ nắm được thế mạnh và ngành nghề phù hợp với chính mình.
  • b.Chọn trường: Sau khi xong bước phân tích bản thân, đã nắm được ngành nghề phù hợp thì mình qua bước chọn trường có dạy đúng ngành nghề đó. Mình tìm trường qua internet và xin lời khuyên từ thầy cô, sempai, bạn bè để có cái nhìn tổng quan rồi mới đưa ra quyết định. Nộp ít trường thì đỡ tốn chi phí và thời gian.
  • c.Đi open campus: Mình đi open campus để gặp trực tiếp Sempai, giáo viên để hiểu rõ hơn về cách thi, cuộc sống sinh viên, .... Nếu có tên trong danh sách thí sinh đã từng đi open campus thì tỉ lệ đỗ của các bạn có thể cao hơn 1 chút, vì nhà trường đánh giá bạn đã có tìm hiểu kỹ càng cẩn thận rồi mới nộp hồ sơ đấy ạ.
  • d.Lên kế hoạch ôn thi, luyện phỏng vấn: Chỉ ôn thi EJU hay JLPT thôi là chưa đủ, các bạn nên tập thói quen đọc báo để nắm bắt thông tin vì lỡ đâu đi thi, phỏng vấn sẽ gặp những câu hỏi liên quan. Hồi ở trường tiếng cô hiệu phó phụ trách luyện phỏng vấn cho mình. Đột nhiên cô bảo mình về tình hình chuyển biến kinh tế gần đây của thế giới. Huhu mình đứng họng luôn vì cứ học trong sách vở chứ không đọc báo nên không biết gì… Được cái là mình là du học sinh học bổng báo nên có thể xin giám đốc cho đọc báo free. Từ đó mình chăm đọc mỗi ngày, trình tiếng Nhật cũng như kiến thức cũng tăng lên hẳn. Lúc đi thi thì trong đề thi có xuất hiện bài báo về logistics quốc tế, xui là mình chưa đọc bài này trước đó nhưng hên là các từ vựng cũng như 1 vài ý trong câu về tình hình quốc tế thì mình đã đọc rồi. Sau này lên đại học thì trường mình có cấp tài khoản báo Asahi nên mình cũng có duy trì đọc mỗi ngày.

Mỗi người có một hoàn cảnh và vốn thời gian riêng. Điều kiện lý tưởng là có thể thực hiện được cả năm điều mình nêu trên trong quá trình học trường tiếng. Còn nếu không hãy xem trong năm vấn đề trên đâu là vấn đề lớn nhất của bạn và tập trung vào nó thôi là quá trình du học của bạn sẽ hiệu quả hơn 90% các bạn du học sinh khác rồi đó. Chúc bạn có một hành trình du học thành công và đầy đáng nhớ!

Tags:
trường tiếng lỗi lầm nên làm

Đăng ký nhận bài viết mới

Đăng ký nhận thông báo bài viết mới qua email của bạn.
Không còn lo bỏ lỡ những bài viết hữu ích mới nhất từ Stulink!

Các bài viết khác